Kon Tum mở rộng điều tra vụ phá rừng tại Công ty lâm nghiệp Sa Thầy

Thống kê sơ bộ, lâm tặc đã hạ 84 cây rừng thuộc nhóm 3-8, khối lượng gỗ bị thiệt hại là hơn 147 m3 tại lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Sa Thầy.
Kon Tum mở rộng điều tra vụ phá rừng tại Công ty lâm nghiệp Sa Thầy ảnh 1Hiện trường vụ phá rừng. (Ảnh: TTXVN phát)

Liên quan đến vụ phá rừng tại lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Sa Thầy (Công ty Lâm nghiệp Sa Thầy) tỉnh Kon Tum, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sa Thầy và lực lượng chức năng đang mở rộng điều tra vụ việc.

Đến ngày 12/9, thống kê sơ bộ, lâm tặc đã hạ 84 cây rừng thuộc nhóm 3-8, khối lượng gỗ bị thiệt hại là hơn 147 m3. Cây bị lâm tặc đốn hạ là các cây cao, đường kính rộng từ 30 cm trở lên. Cơ quan chức năng thu giữ được 1 cưa lốc tại hiện trường.

Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, lâm tặc đã chặt cây rừng để dựng lán trại. Hiện trường còn ngổn ngang bạt nilon, can dầu diezen, chỗ để đồ ăn có nền bằng phẳng được lót bằng tre nứa.

Các vị trí cây bị chặt phá đều không có đường mòn, lối mở. Cây bị cưa hạ không thể vận chuyển ra rừng. Với số lượng cây trên, để vận chuyển, lâm tặc buộc phải mở đường.

“Vụ phá rừng này manh tính chất phá hoại. Vị trí cắt hạ cây ở trong khu vực sâu, xa, dốc cao, không có lối vào. Khi phát hiện vụ việc, cây vẫn còn chảy mủ, chỉ hạ gốc, ngọn cành chưa cắt. Vụ việc rất nghiêm trọng, đây là phá hoại," ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Sa Thầy khẳng định.

[Kon Tum: Mở rộng điều tra vụ khai thác gỗ trái phép ở huyện vùng biên]

Qua quan sát tại hiện trường, tất cả 84 gốc cây bị hạ còn xanh lá, thân chảy mủ, cây không bị cắt cành, ngọn. Điều này khác lạ bởi bình thường khi hạ cây, lâm tặc sẽ cắt cành ngọn ngay. Ngoài ra, vị trí các cây bị chặt phá ở sâu trong rừng, phải lội qua suối, không có lối vận chuyển gỗ ra ngoài vì địa hình rất phức tạp, dốc cao.

Trong khi đó, theo quan sát của phóng viên, các con đường để vào trong khu vực bị phá trên đều phải qua chốt liên ngành quản lý bảo vệ rừng của huyện, Trạm quản lý bảo vệ rừng của công ty…

Ông Nguyễn Khắc Sương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy, khẳng định lực lượng bảo vệ rừng không thể nghe âm thanh cưa lốc vì hiện trường ở sâu trong rừng, xa các chốt chặn.

Hiện Hạt kiểm lâm huyện Sa Thầy đã khởi tố bổ sung vụ việc và chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sa Thầy. Ngoài ra, huyện Sa Thầy cũng đã có quyết định kiện toàn lại chốt liên ngành và giao chốt bảo vệ hiện trường.

Trước đó ngày 9/9, Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin về việc phát hiện một vụ phá rừng có quy mô lớn tại huyện vùng biên của tỉnh Kon Tum. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng phát hiện số cây bị hạ, số gỗ tăng nhiều từ 32 gốc với khối lượng gần 60 m3 lên 84 gốc với 147 m3. Lực lượng chức năng đã khởi tố vụ án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục