Kon Tum: Sông Pôkô bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng sản xuất

Liên tiếp trong ba ngày qua, người dân ở 5 thôn trong xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum phải bơm nước sông Pôkô bị ô nhiễm để tưới cho cây trồng.
Kon Tum: Sông Pôkô bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng sản xuất ảnh 1Chăm sóc cây c phê. Ảnh minh họa. (Nguồn: Hồ Cầu/TTXVN)

Liên tiếp trong ba ngày qua, người dân ở 5 thôn trong xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum phải bơm nước sông Pôkô bị ô nhiễm để tưới cho cây trồng.

Theo phản ánh của người dân, sự việc chỉ mới xuất hiện khoảng ba ngày qua khi nguồn nước từ sông Pôkô trở nên hôi thối, nước bơm lên lắng cặn bã mỳ rất nhiều khiến người dân lo lắng cho cây trồng của mình.

Dọc sông Pôkô hiện rất hôi thối dù nước liên tục chảy, không bị ứ đọng. Tại các điểm cạn giữa dòng sông, trên mặt đất tình trạng ô nhiễm thể hiện rõ khi bề mặt lắng cặn, đóng váng. Ở các điểm ứ đọng nước đã ở thành điểm chết khi đọng nước bẩn, kèm cặn của bã mỳ.

Anh Trần Thìn (ở thôn 2, xã Tân Cảnh) cho biết tình trạng khi dòng Pôkô cạn, nước đặc quánh, đọng váng là các bã mỳ chỉ mới xuất hiện. Mấy năm trước chỉ nước đục thôi. Nước này nếu tưới cho càphê thì sẽ ảnh hưởng nhiều năng suất vì người dân nơi đây khi tưới phun đều từ trên ngọn xuống gốc nên nước bẩn kèm cặn sẽ khiến hoa không nở. Mọi người cũng tính chuyển sang tưới trực tiếp dưới gốc. Nếu chuyển sang tưới dưới gốc cây thì rất tốn kém tiền công (400.000-500.000 đồng công/ngày đêm tưới).

Theo phản ánh của người dân, nguồn nước trên dòng Pôkô bị ô nhiễm là do các nhà máy mỳ ở thượng nguồn trên hai huyện Ngọc Hồi (Nhà máy chế biến tinh bột sắn Fococev), Đăk Glei (Nhà máy chế biến tinh bột từ nông sản Phương Hoa) xả nước bẩn. Trên dọc tuyến sông này có khoảng 20ha càphê của người dân đang bắt đầu bước vào vụ tưới để cho càphê kịp trổ bông.

Trước đó, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Kon Tum đã phát hiện hành vi lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Pôkô của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Fococev (làng Nông Nhầy, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi).

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nước chảy từ hai đường ống lớn được đặt ở khu vực ít dân cư. Mặc dù mới đi vào hoạt động hai năm nhưng nhà máy trên nhiều lần bị người dân địa phương phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục