Lãnh đạo tỉnh Thái Bình đối thoại với dân về ô nhiễm

Ngày 25/5, Thái Bình tổ chức đối thoại với nhân dân xã Thụy Hải để giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường trên địa bàn.
Ngày 25/5, tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã tổ chức đối thoại với nhân dân xã Thụy Hải để giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường trên địa bàn xã Thụy Hải, đặc biệt là khu vực cảng cá Tân Sơn và Nhà máy bột cá Thụy Hải.

Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nêu rõ những tồn tại, khuyết điểm của các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan, lắng nghe tiếp thu ý kiến của nhân dân, ông Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và huyện Thái Thụy đã trực tiếp giải thích và trả lời những ý kiến, bức xúc, kiến nghị của người dân xã Thụy Hải về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn; đồng thời chỉ rõ những nguyên nhân gây nên tình hình phức tạp tại xã Thụy Hải và nhận trách nhiệm về việc giải quyết, xử lý vụ việc không dứt điểm, để kéo dài gây bức xúc cho nhân dân.

Trước mắt, để giải quyết vấn đề môi trường ở xã Thụy Hải, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động dây chuyền hai của Nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, đặc biệt là xã tiếp tục vận động, thuyết phục tạo sự đồng thuận, thống nhất của người dân để nhà máy mở cửa, hoạt động trở lại dây chuyền 1, để có cơ sở kiểm tra, đánh giá tác động môi trường và lấy đó làm căn cứ có cho phép hay không cho phép nhà máy hoạt động trên địa bàn.

Tỉnh cũng chỉ đạo huyện Thái Thụy, xã Thụy Hải, không chấp nhận cho đầu tư hoặc mở rộng các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đối với các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thủy sản đang sản xuất, yêu cầu phải có cam kết bằng văn bản đưa ra lộ trình, biện pháp khắc phục những vi phạm về môi trường; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.

Còn về lâu dài, tỉnh giao cho các ngành chức năng, địa phương khảo sát vị trí mới để đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải, nước thải tập trung xa khu dân cư để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cùng với tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, phân loại, xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, mất an ninh trên địa bàn xã, để sớm ổn định tình hình địa phương và đời sống cho bà con ngư dân.

Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Thụy Hải diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính bắt đầu từ việc Nhà máy bột cá Thụy Hải trong quá trình sản xuất đã làm ô nhiễm môi trường, nhất là khi dây chuyền 2 đi vào hoạt động, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Một số người dân đã đổ bêtông chặn cổng ra vào, buộc nhà máy phải ngừng hoạt động.

Hơn 9 tháng qua, mặc dù các cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện, xã đã vào cuộc tích cực để tuyên truyền, vận động nhân dân, tập trung ổn định tình hình, nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết... Lợi dụng tình hình này, kẻ xấu đã lôi kéo, kích động, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, làm ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của ngư dân.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Thái Thụy, Nhà máy bột cá Thụy Hải thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến thủy sản Thụy Hải, đầu tư xây dựng và chính thức đi vào hoạt động năm 2004 tại cảng cá Tân Sơn (xã Thụy Hải). Nhà máy đã tích cực thu mua sản phẩm cho ngư dân, góp phần phát triển nghề khai thác biển trong khu vực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho trên 40 lao động trực tiếp và khoảng 800 lao động gián tiếp thu mua, khai thác vận chuyển và một số dịch vụ tại địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, nhất là từ năm 2008 khi đưa dây chuyền 2 vào sản xuất, Nhà máy đã xả thải mùi đặc trưng, khó chịu ra môi trường xung quanh. Đã nhiều lần, dân làng Quang Lang có ý kiến, Ủy ban Nhân dân xã Thụy Hải có tờ trình về việc giải quyết vệ sinh môi trường tại Nhà máy Bột cá Thụy Hải gửi các cấp, các ngành, song do bức xúc trước những vi phạm về môi trường của Nhà máy và việc giải quyết chưa triệt để, kéo dài, ngày 8/8/2011, một số người dân xã Thụy Hải đã tập kết vật liệu, xây bờ ngăn trước cổng Nhà máy, tổ chức canh coi không cho Nhà máy hoạt động.

Vụ việc càng phức tạp hơn khi ngày 11/4 vừa qua, Nhà máy thuê người, phương tiện về tự tháo dỡ bờ ngăn khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Một bộ phận nhân dân quyết liệt chống đối, ngăn cản, dựng lều, treo khẩu hiệu, đem quan tài ra để, đồng thời tụ tập đông người canh coi đập ngăn; thường xuyên tổ chức họp, tuyên bố quyết tâm đuổi Nhà máy đi nơi khác... Một số kẻ xấu đã lợi dụng vụ việc này đứng sau kích động, lôi kéo nhân dân không chỉ vi phạm đến quyền lợi của doanh nghiệp, mà còn gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự khu vực Cảng cá Tân Sơn nói riêng, địa bàn xã Thụy Hải nói chung.

Trước tình hình trên, cùng với những biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, từ ngày 15/5 đến nay, lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các sở, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân huyện Thái Thụy, xã Thụy Hải, đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, chủ thuyền làm nghề khoai lưới, chủ các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định tình hình./.

Thanh Phú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục