Ba mẹ có chiều cao khiêm tốn không có nghĩa là chấm dứt "giấc mơ chân dài" của thế hệ con cái. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định có 5 yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con người - di truyền (23%), dinh dưỡng (31%), luyện tập (20%), môi trường sống (16%) và tâm lý (10%). Đặc biệt, đừng bỏ qua việc tận dụng tối đa 20% nhờ luyện tập khi gần đây còn có cả những lớp học giúp tăng chiều cao.
Ngay từ giai đoạn bào thai, quá trình phát triển xương đã bắt đầu và kéo dài đến khoảng 25 tuổi ở nam và 23 tuổi ở nữ. Tùy từng giai đoạn, tốc độ tăng trưởng không giống nhau. Trung bình, ở năm đầu đời, bé tăng khoảng 25-27cm. Sau 1 tuổi, chỉ số là 6-7cm/năm.
Sang đến giai đoạn dậy thì (10-16 tuổi ở bé gái và 12-18 tuổi ở bé trai) - “giai đoạn vàng” của quá trình tăng trưởng, chiều cao có thể tăng 8-10cm/năm. Qua giai đoạn vàng, chiều cao chỉ tăng khoảng 2cm/năm.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh), rất nhiều người Việt có gen tăng trưởng chiều cao không tốt, chưa kể nhiều trường hợp suy dinh dưỡng từ trong bào thai và cả trong giai đoạn dưới 5 tuổi. Môi trường để tập luyện cũng không có nhiều. Trong khi đó, hầu như mọi bộ phận trên cơ thể có dùng thì mới phát triển, không dùng sẽ hư. Đối với xương cũng vậy, cho dù có ăn uống tốt, bổ sung nhiều sữa, canxi nhưng không vận động, luyện tập cũng không kích thích phát triển chiều cao tối đa.
Lớp thể dục kích thích phát triển chiều cao
Không phải mới xuất hiện nhưng gần đây, các lớp học giúp kích thích phát triển chiều cao mới bắt đầu được nhiều người chú ý. Bắt đầu từ việc kiện tướng dancesport Khánh Thi gửi học trò của mình cho đôi vợ chồng kỷ lục gia nhảy cao Việt Nam là Duy Bằng-Ngọc Tâm để hướng dẫn những bài tập chuyên biệt giúp tăng chiều cao và nhận được kết quả tốt, nhiều phụ huynh cũng cho con theo rèn luyện. Từ đó, các khóa học chính thức ra đời, dành cho những bé trong độ tuổi tiền dậy thì và dậy thì (6-16 tuổi).
Con sẽ được học những gì?
Việc vận động nhằm phát triển chiều cao chủ yếu xoay quanh các hoạt động liên quan đến vùng xương khớp, cơ chân, cơ tay và cột sống. Những động tác này vốn được tập luyện nhiều ở môn bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội nên cũng được xem là phương tiện vận động hữu hiệu nhất để kích thích tăng chiều cao cho trẻ.
Rất nhiều người không ý thức được rằng, luôn giữ tư thế đúng trong đi đứng, sinh hoạt và cả khi nằm ngủ là một trong những cách cơ bản và cần thiết giúp tăng chiều cao tối đa. Đúng tư thế không chỉ đơn thuần là đứng thẳng và ngay ngắn mà cần để ý đến từng phần của cơ thể để duy trì vị trí đúng của nó, như giữ cho đầu, xương chậu, chân, tư thế ngồi, nằm, đi bộ, chạy… một cách chuẩn xác.
Không phải là những bài luyện tập nặng nề theo kiểu ép mình mà bọn trẻ chủ yếu làm quen và có được sự yêu thích với những động tác liên quan đến vùng xương khớp, cơ chân, tay và cột sống để dễ dàng đến với các bộ môn bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội… Nhằm nâng cao thể lực, sức bền và cả chiều cao, các con sẽ được học di chuyển thăng bằng trên dây, vượt chướng ngại vật, nhảy cóc, nhảy tự do trên bàn nhún, bài tập bật. Chương trình học còn có tập với xà đơn để giúp kéo giãn toàn thân, giải phóng các lớp sụn giữa những đầu xương. Lớp sụn phát triển liên tục sẽ giúp xương dài ra. Môn điền kinh cũng được xem là phần luyện tập cơ bản nhất với các nhóm bài tập bật, chạy, ép dẻo, kéo giãn cơ, linh hoạt theo từng độ tuổi, giới tính.
Việc kích thích phát triển chiều cao không phải là tập từng môn riêng lẻ mà theo một chuỗi liên hoàn, kết hợp nhiều động tác, tùy theo lứa tuổi và cả sở thích của bé. Chính vì vậy, thông thường, các bé sẽ học một môn thể thao nào đó như: bóng rổ, bơi lội, bóng đá…Còn ở lớp học này, các con sẽ được làm quen và rèn luyện với hầu như tất cả các môn có thể hỗ trợ phát triển chiều cao.
Thêm một điều quan trọng là không chỉ rèn thói quen tập luyện để có ý thức giữ những tư thế đúng, giúp cơ thể thêm khỏe mạnh, ý chí mạnh mẽ, bọn trẻ còn được học cách ăn uống sao cho hợp lý, có kiến thức về dinh dưỡng để lựa chọn những gì tốt nhất cho cơ thể. Ngoài việc kích thích phát triển chiều cao, các bài tập còn giúp những trẻ béo phì, thừa cân vận động để tiêu hao mỡ, giảm vòng bụng, giảm cân và bớt thụ động.
Tập luyện thể thao một cách khoa học làm tăng cường quá trình trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng trong cơ thể, khiến hoóc-môn tăng trưởng tiết ra nhiều hơn, tăng canxi vào cơ xương, giúp xương chắc hơn và tăng trọng khối xương khi trưởng thành.
Đừng quên chuyện ăn-ngủ
Bên cạnh tập luyện, đừng bỏ qua chế độ dinh dưỡng (quyết định đến 31% trong quá trình phát triển chiều cao). Cần tăng cường nhóm protein (thịt, cá, trứng, sữa, đậu), rau củ (đặc biệt là những loại nhiều kẽm, magie như các loại rau họ cải, đậu phộng…). Không nên thả lỏng cho con thoải mái ăn tinh bột và chất béo, đặc biệt là hạn chế thức ăn nhanh, các loại snack, nước ngọt, nước có gas - những thứ làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể cũng như sự phát triển của sụn và xương khớp.
Giấc ngủ cũng rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, 90% sự phát triển xương ở trẻ diễn ra trong khi ngủ. Ngủ sâu và đủ giấc, tuyến yên sẽ được kích thích tiết ra hoócmôn tăng trưởng giúp tăng chiều cao./.