Malaysia có thể sẽ áp dụng hạn định trong giao dịch tiền mặt từ 2020

Theo Ngân hàng Trung ương Malaysia, giao dịch bằng tiền mặt hiện đang được giới tội phạm sử dụng một cách triệt để và phổ biến nhằm hỗ trợ cho các hoạt động bất hợp pháp.
Malaysia có thể sẽ áp dụng hạn định trong giao dịch tiền mặt từ 2020 ảnh 1Đồng ringgit Malaysia. (Nguồn: AFP)

Tờ The Star ngày 5/11 đưa tin Malaysia đang xem xét khả năng áp dụng hạn định trong giao dịch bằng tiền mặt từ năm 2020, nhằm ngăn chặn tình trạng rửa tiền và tội phạm tài chính đang có xu hướng gia tăng tại quốc gia này.

Theo Ngân hàng Trung ương Malaysia, giao dịch bằng tiền mặt hiện đang được giới tội phạm sử dụng một cách triệt để và phổ biến nhằm hỗ trợ cho các hoạt động bất hợp pháp.

Việc áp dụng hạn định trong giao dịch bằng tiền mặt được cho là một biện pháp quan trọng trong cuộc chiến chống lại tình trạng rửa tiền và các loại tội phạm tài chính khác.

[Thủ tướng Mahathir cảnh báo khả năng Malaysia bị trừng phạt thương mại]

Áp dụng hạn định trong giao dịch bằng tiền mặt cũng là một cách để đảm bảo tính hợp nhất của hệ thống tài chính của Malaysia.

Hiện, Ngân hàng Trung ương Malaysia đang tích cực làm việc với các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chức năng, giới doanh nghiệp... về các vấn đề xung quanh việc áp dụng hạn định trong giao dịch bằng tiền mặt.

Ngân hàng Trung ương Malaysia hy vọng việc áp dụng hạn định trong giao dịch bằng tiền mặt sẽ được bắt đầu vào năm tới.

Hạn định trong giao dịch bằng tiền mặt không phải là một khái niệm mới mà biện pháp này đã được áp dụng tại châu Âu và châu Á.

Indonesia đã đưa ra dự luật về hạn định trong giao dịch bằng tiền mặt từ năm 2018 với hạn mức tối đa cho mỗi giao dịch bằng tiền mặt là 100 triệu rupiah (hơn 7.000 USD), trong khi tại Australia, con số này là 10.000 AUD (gần 7.000 USD).

Với các khoản tiền lớn hơn hạn định trong giao dịch bằng tiền mặt, chủ giao dịch phải thực hiện bằng giao dịch điện tử hoặc séc thông qua các hệ thống ngân hàng.

Về phía Malaysia, hạn định trong giao dịch bằng tiền mặt đã được Ngân hàng Trung ương Malaysia giới thiệu vào cuối năm 2018 và được điều chỉnh lại từ mức 50.000 RM (12.000 USD) xuống còn 25.000 RM.

Các nhà phân tích nhất trí với quan điểm của Ngân hàng Trung ương Malaysia khi cho rằng áp dụng hạn định trong giao dịch bằng tiền mặt là điều cần thiết, bởi mặc dù tiền mặt có vai trò rất quan trọng đối với các cá nhân và doanh nghiệp, song đây cũng là phương tiện được giới tội phạm lạm dụng triệt để để thực hiện các hành vi phạm tội như hối lộ, mua chuộc…

Với động thái nói trên của Ngân hàng Trung ương Malaysia, các nhà phân tích cho rằng, trong tương lai không xa, khái niệm “tiền mặt là vua” sẽ không còn thống trị tại quốc gia Đông Nam Á này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục