Miền Trung khống chế thành công đại dịch, trở thành điểm đến an toàn

Chính quyền và người dân các tỉnh miền Trung nỗ lực hết mình khống chế dịch COVID-19 để miền Trung luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách và nhà đầu tư.
Miền Trung khống chế thành công đại dịch, trở thành điểm đến an toàn ảnh 1Khách hàng tự giác ngồi giãn cách tại quán càphê. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Miền Trung vốn nhiều khó khăn trong xuất phát điểm, cũng như phát triển kinh tế. Đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng đã gây thiệt hại về nhiều mặt cho các địa phương miền Trung.

Tuy nhiên, với tinh thần chống dịch như chống giặc, miền Trung đã phát huy mọi nguồn lực, cùng với sự đồng hành, sẻ chia của cả nước, chỉ trong vòng hơn 1 tháng đã cơ bản kiềm chế dịch COVID-19, tạo nên sự yên tâm, tin tưởng cũng như sự đồng thuận trong nhân dân.

Để tiếp tục khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế, chính quyền và người dân đang nỗ lực hết mình để miền Trung luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách và nhà đầu tư.

Phóng viên TTXVN thực hiện loạt bài viết với chủ đề "Miền Trung - Điểm đến an toàn sau dịch COVID-19."

Bài 1: Khống chế thành công đại dịch

Những ngày cuối tháng 7/2020, dịch COVID-19 tái bùng phát tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Dịch COVID-19 tái bùng phát

Ca bệnh 416 là ca đầu tiên được phát hiện tại thành phố Đà Nẵng khi dịch COVID-19 tái bùng phát. Những ngày sau đó, số người mắc bệnh liên tục tăng cao, có ngày công bố hàng chục ca bệnh, nguy cơ lây lan rộng.

Tình thế cấp bách, Bộ Y tế quyết định thành lập Tổ tiền phương xử lý dịch COVID-19 khu vực miền Trung, do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Tổ trưởng đứng chân tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng và Quảng Nam là những địa phương có số người mắc COVID-19 nhiều nhất. Tại Quảng Nam ghi nhận 101 người mắc bệnh. Đà Nẵng ghi nhận gần 400 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 31 bệnh nhân tử vong.

[Đà Nẵng triển khai các giải pháp phát triển kinh tế sau dịch COVID]

Dịch COVID-19 tái bùng phát và hoành hành tại các tỉnh miền Trung đã gây ra những hệ lụy to lớn đối với việc đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế-xã hội của những tỉnh, thành phố trên. Chính vì vậy, sau hàng chục năm phát triển, lần đầu tiên Đà Nẵng ghi nhận tăng trưởng âm, Quảng Nam hụt thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.

Là địa phương xuất hiện ca bệnh đầu tiên của cả nước và cũng là địa bàn có số ca bệnh nhiều nhất nước trong đợt dịch COVID-19 tái bùng phát vào cuối tháng 7/2020, Đà Nẵng vào thời điểm đó là tâm dịch, với nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly, điển hình như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh Viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, đã làm dấy lên sự lo ngại trong nhân dân thành phố về nguy cơ lây lan rộng dịch bệnh trong cộng đồng.

Tại Thừa Thiên-Huế, một số bệnh nhân mắc COVID-19 có bệnh nền nặng đã tử vong, gây tâm lý bất an trong nhân dân.

Nỗ lực khống chế dịch thành công

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tăng cường kiềm chế dịch bệnh, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với các địa phương trong khu vực và tiến hành kêu gọi, điều động các cá nhân, tổ chức cùng chung tay chống dịch COVID-19.

Miền Trung khống chế thành công đại dịch, trở thành điểm đến an toàn ảnh 2Đà Nẵng gỡ cách ly y tế đối với Bệnh viện Đa khoa Hải Châu. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Ngay khi thành phố Đà Nẵng phát hiện ca bệnh đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã “kích hoạt”ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, dập dịch.

Các chốt kiểm soát dịch bệnh được nhanh chóng thiết lập tại huyện Phú Lộc, nơi tiếp giáp với vùng dịch Đà Nẵng để kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra, vào địa phương.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc khai báo y tế toàn dân, vận hành tổng đài đường dây nóng hỗ trợ tư vấn, khám sàng lọc, cách ly, điều trị COVID-19.

Đồng thời, tỉnh cũng chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho các cơ quan báo chí, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cho biết khi dịch COVID-19 bùng phát đợt 2, theo thống kê có khoảng 22.000 người dân địa phương từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi trở về.

Tỉnh đã nhanh chóng phân loại, tiến hành cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm, qua đó giúp sàng lọc nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp mang mầm bệnh.

Với tinh thần sẵn sàng cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng trong kiểm soát, xử lý dịch bệnh, không để dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đà Nẵng đã thực hiện các bước khoanh vùng, cách ly tại các khu dân cư có người mắc bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế; đồng thời kêu gọi lực lượng cán bộ y tế từ các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bình Định, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh… chi viện cho Đà Nẵng chống dịch.

Công tác phân tuyến, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 có nhiều bệnh nền cũng được Bộ Y tế triển khai khá nhịp nhàng khi vận chuyển một số bệnh nhân ra Bệnh Viện Trung ương Huế hay đến Bệnh viện Đa khoa Núi Thành nhằm “chia lửa” với Đà Nẵng.

Thực hiện giãn cách, hoạt động du lịch buộc phải tạm ngưng, nhiều du khách chưa kịp rời Đà Nẵng, Sở Du lịch thành phố đã đề nghị các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tạo mọi điều kiện hỗ trợ du khách ở lại lưu trú trong thời gian giãn cách, giảm giá tối đa và công bố danh sách 6 khách sạn hỗ trợ giảm giá cho du khách biết để chọn lựa.

Nhiều khách sạn đã hỗ trợ các mức giá thấp nhất cho khách, đặc biệt là khách sạn A25 ở 137 đường Nguyễn Du đã tạo điều kiện cho du khách đang lưu trú tại khách sạn nhưng chưa về được, được miễn phí phòng và chi phí ăn uống tại khách sạn trong vòng 14 ngày.

Tại tâm dịch Đà Nẵng, thành phố đã triển khai xây dựng Bệnh viện dã chiến Hòa Vang; Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn, quy mô ban đầu là 300 giường bệnh để sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trong trường hợp bệnh nhân tăng đột biến.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng tăng cường tuyên truyền đến đông đảo nhân dân về các phương án phòng, chống dịch. Trong quá trình đó đã xuất hiện ra những cách làm đặc thù như phát phiếu đi chợ cho người dân với tần suất 3 ngày/lần; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ cao; huy động các cơ sở y tế tư nhân chung sức vào công cuộc phòng, chống dịch…

Quan trọng nhất là xét nghiệm cộng đồng, chỉ trong thời gian ngắn Đà Nẵng đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên 324.410 người. Trong đó, số người ngoài thành phố (làm xét nghiệm trước khi tỉnh bạn đón công dân về) là 1.671 người; số người nước ngoài trên địa bàn thành phố là 5.979 người và 316.766 lượt công dân Đà Nẵng, chiếm khoảng 1/4 dân số thành phố.

Nhờ tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nên đến giữa tháng 9/2020 dịch COVID-19 trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi cơ bản được khống chế và không xuất hiện ca mắc mới.

Nhân dân các tỉnh, thành phố trong khu vực bước sang thời kỳ phòng dịch trong tình hình mới. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi mỗi người dân cùng nhau thực hiện chung sống an toàn với đại dịch COVID-19 với thông điệp 5K: “Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục