Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 22 đến 25/11 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thành công tốt đẹp toàn diện, trên nhiều lĩnh vực.
Kết quả chuyến thăm thể hiện sự thân thiết, chân tình, tin cậy giữa hai nước; hướng tới một giai đoạn mới của quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.
Cùng với các hoạt động đối ngoại gần đây của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định Việt Nam tự tin tiếp tục đẩy mạnh công cuộc hội nhập và phát triển đất nước, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế một cách vững chắc; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, củng cố niềm tin của bạn bè, đối tác quốc tế và nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài về chủ trương, đường lối, chính sách và tương lai phát triển của Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính là vị quốc khách đầu tiên được Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mời thăm Nhật Bản khi hai Thủ tướng gặp nhau tại COP26.
Thủ tướng Phạm Minh Chính là vị khách nước ngoài, quốc khách đầu tiên đến thăm Nhật Bản, đồng thời cũng là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam sau Đại hội Đảng lần thứ XIII sang thăm Nhật Bản; thể hiện sự gắn bó giữa hai Thủ tướng trong xây dựng quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian dài.
Khi trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nhật Bản cho biết ông đã dành 20 năm để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản-Việt Nam.
[Chuyến thăm của Thủ tướng tạo dấu ấn lớn cho quan hệ Việt Nam-Nhật Bản]
Thủ tướng Nhật Bản đánh giá rất cao Thủ tướng Phạm Minh Chính khi là Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản và cũng là người có đóng góp rất nhiều, nhiều năm vào quan hệ Nhật Bản-Việt Nam, vì thế đã tạo nên sự gắn bó và đồng cảm.
Lần này, hai Thủ tướng cũng nói chuyện với nhau rất tình cảm, chân tình, thẳng thắn, nhưng cũng rất chất lượng, hiệu quả trên tinh thần thực sự là tin cậy lẫn nhau.
Chỉ trong hơn hai ngày, với lịch trình làm việc dày đặc của gần 50 hoạt động, Thủ tướng đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio; gặp nhiều lãnh đạo chủ chốt của Nhật Bản như Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, các bộ trưởng trong chính quyền, các cựu Thủ tướng, lãnh đạo đảng Cộng sản, đảng Công Minh trong liên minh cầm quyền; lãnh đạo các địa phương, các trường đại học, lãnh đạo các tổ chức kinh tế lớn và các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản; dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của hai nước và Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản; thăm Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam, tiếp các trí thức, nhà khoa học Việt Nam tại Nhật Bản.
Các thành viên của Đoàn đại biểu Việt Nam có gần 20 cuộc gặp với đối tác để trao đổi sâu về các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành.
Cũng theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đây là chuyến thăm chính thức và được sự đón tiếp nồng hậu, chân thành, chân tình của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, của Thủ tướng, các cựu Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, lãnh đạo Đảng Cộng sản, lãnh đạo Đảng Công minh... Tất cả đã tạo nên sự tin cậy, gắn bó, hiểu biết lẫn nhau sâu sắc.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, hai nước chính thức bước sang một giai đoạn mới trong họp tác sâu rộng, trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế; được thể hiện trong Tuyên bố chung của hai nước sau khi hai Thủ tướng hội đàm.
Kế thừa những thành quả được nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước dày công tạo dựng, chuyến thăm đã giúp củng cố niềm tin, thắt chặt tình cảm, sự chân thành và nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, hai dân tộc, khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là những người bạn, đối tác chiến lược thân thiết, tin cậy của nhau trên nhiều lĩnh vực.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tổ chức hàng chục các cuộc gặp song phương, đa phương, từng doanh nghiệp, rồi diễn đàn bàn tròn... với hàng trăm doanh nghiệp cùng hầu hết các nghiệp đoàn, tập đoàn lớn của Nhật Bản.
Cùng với đó, gần 50 thỏa thuận đã được ký kết với trị giá hàng chục tỷ USD. Quan trọng hơn nữa là các lĩnh vực mà lần này ký kết đều tập trung vào những định hướng, chủ trương lớn của Việt Nam trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Đó là tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, công nghệ cao, kết nối với doanh nghiệp trong nước để có thể tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu, có tính chất lan tỏa nhiều hơn...
Còn theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ấn tượng sâu sắc nhất của ông trong chuyến công tác tại Nhật Bản lần này là ngoài sự đón tiếp rất trọng thị, thân tình và nồng hậu, trong các cuộc làm việc với lãnh đạo cấp cao của chính phủ Nhật Bản cũng như lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, phía Nhật Bản đều bày tỏ sự sẵn sàng và chủ động đề xuất hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phục hồi kinh tế sau đại dịch; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện những cam kết của mình tại COP26.
Từ lãnh đạo Chính phủ cho đến các bộ, ngành và địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đều thể hiện Việt Nam sẽ là môi trường, là điểm đến lý tưởng của họ bởi Việt Nam hội tụ đủ các điều kiện mà phía Nhật Bản đang rất cần, đó là Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, có vai trò quan trọng trong ASEAN, đặc biệt là Đông Nam Á.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đối với việc hỗ trợ hợp tác trong phát triển y tế, phía Nhật Bản cũng như phía Việt Nam đã bàn bạc, trao đổi thống nhất phương thức hỗ trợ qua vốn ODA cho việc xây dựng những trung tâm nghiên cứu y sinh học quốc tế tại Việt Nam và xây dựng bộ an toàn sinh học cấp độ 4, cấp độ rất cao để phục vụ cho hoạt động phòng, chống dịch tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhật Bản đã đồng ý trên nguyên tắc sẽ hỗ trợ phát triển, tăng cường năng lực cho các bệnh viện của các tỉnh, bệnh viện tỉnh, vùng. Nhật Bản sẽ hỗ trợ vốn ODA, cung cấp trang thiết bị, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị cho một số tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, với nhiều văn bản được ký kết, nhiều chương trình đã được làm việc, ông đánh giá đây là một chuyến đi rất thành công, nhất là trong lĩnh vực y tế.
Mặt khác, Nhật Bản đã quyết định hỗ trợ Việt Nam thêm 1,5 triệu liều vaccine, nâng tổng số vaccine của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam lên tới hơn 5,6 triệu liều. Đây là hỗ trợ quý báu trong bối cảnh chúng ta đang tăng tốc tiêm vaccine toàn dân.
Với kết quả như kể trên, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế của Việt Nam./.