Mỗi ngày có chín phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung tại Việt Nam

Tại Việt Nam, mỗi ngày có chín phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung và ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong.
Mỗi ngày có chín phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung tại Việt Nam ảnh 1Truyền thông nâng cao sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ ở xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ung thư cổ tử cung là một bệnh phổ biến trong các loại ung thư đối với phụ nữ trên toàn thế giới. Hàng năm, thế giới có khoảng nửa triệu phụ nữ mắc mới ưng thư cổ tử cung.

Tại Việt Nam, mỗi ngày có chín phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung và ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Nâng cao nhận thức về ung thư cổ tử cung tại Việt Nam” do Viện sức khỏe Sinh sản và Gia đình (RaFH) phối hợp với Quỹ Ung thư cổ tử cung Australia tổ chức ngày 18/3 tại Hà Nội.

Các báo cáo tại hội thảo nêu rõ một trong những lý do khiến ung thư cổ tử cung phổ biến là phụ nữ chưa được sàng lọc định kỳ và chưa có hệ thống phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp và dễ tiếp cận; thậm chí ngay cả khi phụ nữ được phát hiện các tổn thương tiền ung thư thì cũng chưa được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Ngoài ra, nhận thức của phụ nữ ở nhiều vùng nông thôn về tầm quan trọng của việc sàng lọc ung thư cổ tử cung còn hạn chế, tỷ lệ khám sàng lọc còn thấp và chủ yếu là thụ động; trong khi đó công tác tiêm phòng ngừa ung thư cổ tử cung chưa được triển khai rộng rãi tại Việt Nam.

Phát hiểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết ung thư cổ tử cung đang là vấn đề "nóng," căn bệnh này đã cướp đi tính mạng của nhiều phụ nữ Việt Nam.

Hoạt động nâng cao nhận thức về căn bệnh ung thư nói chung và ung thư cổ tử cung nói riêng cho người dân, các cán bộ y tế là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, hội thảo này là cơ hội để các đại biểu tham luận, chia sẻ kiến thức mới về sàng lọc và điều trị bệnh ung thư cổ tử cung tại Việt Nam; đồng thời đưa ra các bài học, khuyến nghị của địa phương để Chương trình phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thạc sỹ-bác sỹ Lê Đức Thọ, Văn phòng Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức Trung ương (GIZ), cho biết chương trình tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức được triển khai tại năm tỉnh (Yên Bái, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Phú Yên) từ năm 2009-2017.

Mục tiêu của chương trình là cải thiện chất lượng dịch vụ y tế cho người dân, đặc biệt là người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh dự án.

Chương trình cũng tiến hành sàng lọc ung thư cổ tử cung tại tất cả các cơ sở y tế được lựa chọn; tăng số lượng phụ nữ sử dụng dịch vụ sàng lọc ung thư cổ tử cung tại các địa bàn của dự án.

Bước đầu dự án đã nâng cao năng lực cho các cán bộ y tế về chẩn đoán, điều trị ung thư cổ tử cung; hỗ trợ cơ sở hạ tầng (máy điều trị áp lạnh, dụng cụ khám phụ khoa, dụng cụ phòng khám và tư vấn).

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về tầm quan trọng của Chương trình phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung tại Việt Nam; hiệu quả thực hiện dự án sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung tại cộng đồng; nghiên cứu so sánh các biện pháp điều trị bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục