Mỹ: Áp lực chính trị 'đè nén' quyết định lãi suất của Fed

Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục chỉ trích Fed và Chủ tịch Jerome Powell vì không thể thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3% trong năm 2019 và cao hơn nữa trong năm sau như cam kết của ông.
Mỹ: Áp lực chính trị 'đè nén' quyết định lãi suất của Fed ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự định "nâng cao sức đề kháng" cho nền kinh tế Mỹ trước tình trạng giảm tốc của kinh tế toàn cầu bằng một kế hoạch giảm lãi suất lần đầu tiên được tính đến trong suốt một thập kỷ.

Nhưng kế hoạch này ngày càng khó thực hiện khi phải đối mặt với áp lực chính trị.

Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục chỉ trích Fed và Chủ tịch Jerome Powell vì không thể thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3% trong năm 2019 và cao hơn nữa trong năm sau như cam kết của ông.

Chia sẻ trên Twitter ngày 29/7, Tổng thống Trump cho rằng trong khi cả Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đều sẽ tiếp tục giảm lãi suất và "bơm" tiền vào hệ thống tài chính, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất bán sản phẩm thì Fed lại không có động tĩnh gì dù lạm phát tại Mỹ đang rất thấp.

Ông còn cho rằng thật tệ vì có thể ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nỗ lực rất ít so với những gì mà các đối tác kể trên đã làm.

Thách thức lúc này với Fed được cho là phải vượt qua được những động thái can thiệp chính trị trước khi đưa ra quyết định vào ngày 31/7 và định hướng chính sách tiền tệ dựa trên các số liệu kinh tế thay vì những áp lực chính trị.

[Quan chức Mỹ nhận định về việc đảm nhận vị trí Chủ tịch Fed]

Việc thay đổi chính sách có "một chút bất thường" vì trước đó cả Chủ tịch Powell và các quan chức khác tại Fed đều khẳng định rằng họ hy vọng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng và lạm phát sẽ nhích dần lên.

Nhưng trên thực tế, hiện chỉ số thất nghiệp, một trong hai chỉ số chủ chốt mà luật pháp Mỹ quy định Fed cần phải tập trung khi đưa ra chính sách, đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua.

Chỉ có một thị trường việc làm tốt mới có thể thúc đẩy tăng trưởng lương, và tạo động lực cho lạm phát - chỉ số quan trọng thứ hai với Fed - gia tăng. Nhưng chỉ số lạm phát tại Mỹ hầu như luôn thấp hơn và có lúc thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu là 2%.

Cùng với đó, các chiến thuật thương mại mang tính gây hấn của chính quyền Washington cũng đã khiến hoạt động đầu tư kinh doanh đình trệ trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Trung Quốc đang chững lại và vấn đề Brexit ám ảnh nền kinh tế Anh cũng như EU.

Chính vì vậy, Fed có những cơ sở để xem xét biện pháp hạ lãi suất nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ. Các nhà thương mại cũng đều cho rằng việc cắt giảm lãi suất chắc chắn sẽ diễn ra.

Trong giai đoạn từ tháng 12/2015 đến tháng 12/2018, Fed đã 9 lần tăng lãi suất cho vay cơ bản, trong đó có 4 lần vào năm ngoái.

Nhiều nhà kinh tế cũng dự đoán Fed có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2019 và có thể sẽ hạ lãi suất 3 lần tính từ nay tới đầu năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục