Mỹ: Triều Tiên nối lại hoạt động xây dựng tại bãi thử hạt nhân

Theo các chuyên gia CNS, hoạt động tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri mới diễn ra trong vài ngày qua và vẫn còn khó để đi đến kết luận chính xác Triều Tiên đang xây dựng công trình và nhằm mục đích gì.
Mỹ: Triều Tiên nối lại hoạt động xây dựng tại bãi thử hạt nhân ảnh 1Ảnh vệ tinh cho thấy các vị trí đang diễn ra hoạt động xây dựng tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên hôm 4/3. (Nguồn: Maxar)

Theo các chuyên gia phân tích tại Mỹ, những hình ảnh từ vệ tinh thương mại cho thấy nhiều dấu hiệu về hoạt động xây dựng tại bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, lần đầu tiên kể từ khi địa điểm này bị đóng cửa vào năm 2018. 

Báo cáo của các chuyên gia tại Trung tâm James Martin về nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân (CNS) - có trụ sở tại California (Mỹ) - cho biết những hình ảnh do vệ tinh chụp lại vào ngày 4/3 cho thấy hoạt động tu sửa một tòa nhà, xây thêm một công trình mới và một số hình ảnh khác được cho là gỗ và mùn cưa tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở miền Bắc Triều Tiên.

Báo cáo nêu rõ: "Hoạt động xây dựng và sửa chữa tại đây cho thấy Triều Tiên đã đưa ra một số quyết định liên quan trạng thái của địa điểm thử nghiệm hạt nhân này."

Triều Tiên trước đó đã tuyên bố đóng cửa bãi thử Punggye-ri vào năm 2018, với việc kích nổ để làm sập cửa hầm, chặn các lối vào hầm và loại bỏ tất cả các cơ sở quan sát, tòa nhà nghiên cứu và bốt an ninh tại đây.

Nước này cũng đã mời đại diện của nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài tới quan sát việc phá dỡ này, ngoại trừ các thanh sát viên quốc tế.

Punggye-ri là bãi thử hạt nhân duy nhất của Triều Tiên, nơi nước này đã tiến hành 6 lần thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017, trong đó 2 vụ thử nghiệm cuối cùng được Triều Tiên tuyên bố là bom nhiệt hạch (bom H, loại vũ khí có sức công phá lớn hơn nhiều so với bom nguyên tử thông thường) và vụ ngày 3/9/2018 có sức công phá mạnh nhất, vào khoảng 120 kiloton, gấp 10 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Vì vậy, việc phá bỏ bãi thử hạt nhân của Bình Nhưỡng được xem là cử chỉ thiện chí đáng ghi nhận, nhằm xây dựng lòng tin trong vấn đề hạt nhân, tạo không khí thuận lợi cho các cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay, Bình Nhưỡng và Washington vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Theo các chuyên gia CNS, hoạt động tại Punggye-ri mới chỉ diễn ra trong vài ngày qua và vẫn còn khó để đi đến kết luận chính xác rằng Triều Tiên đang xây dựng công trình gì và nhằm mục đích gì.

Họ đồng thời nhấn mạnh rằng việc xây dựng một địa điểm thử hạt nhân cần nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm, mới có thể sẵn sàng đi vào hoạt động. 

Sau vụ phóng tên lửa thứ 9 kể từ đầu năm đến nay của Triều Tiên, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa hoạt động phát triển hạt nhân của Triều Tiên, cũng như các cơ sở liên quan đến tên lửa, bao gồm lò phản ứng hạt nhân chính của nước này tại Yongbyon và địa điểm thử vũ khí hạt nhân Punggye-ri, song không cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch này.

[IAEA: Cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên có dấu hiệu hoạt động]

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 7/3 cho biết có một vài dấu hiệu hoạt động của lò phản ứng ở tổ hợp hạt nhân chính của Triều Tiên và các cơ sở khác.

Theo Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi, nhóm thanh sát của IAEA đã phát hiện những dấu hiệu hoạt động tại lò phản ứng 5 megawatt tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon ở phía Bắc Bình Nhưỡng, nơi được cho là có khả năng sản xuất plutoni cấp độ vũ khí hạt nhân.

Ông Grossi cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục quan sát các hoạt động xây dựng tại Yongbyon, trong đó có việc xây dựng một công trình tại cơ sở đặt máy ly tâm làm giàu urani.

Người đứng đầu IAEA cũng cho biết Triều Tiên đang xây dựng một tòa nhà mới gần lò phản ứng nước nhẹ, có thể để hỗ trợ việc chế tạo hoặc bảo trì lò phản ứng.

Ngoài ra, có dấu hiệu cho thấy đang diễn ra các hoạt động tại cơ sở làm giàu urani Kangson và cơ sở cô đặc urani Pyongsan.

IAEA đã không còn được tiếp cận Triều Tiên từ năm 2009 và chủ yếu giám sát hoạt động hạt nhân của Triều Tiên tử xa, phần lớn qua hình ảnh vệ tinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục