Mỹ ưu tiên đối thoại nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ Mỹ hoan nghênh việc đối thoại với Triều Tiên, cho rằng đây là "lộ trình được ưu tiên nhất" để hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 ngày 18/12/2023. (Ảnh: KCNA/TTXVN)
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 ngày 18/12/2023. (Ảnh: KCNA/TTXVN)

Theo hãng tin Yonhap, ngày 3/1, Mỹ đã tái khẳng định cam kết về việc đối thoại với Triều Tiên, coi đây là giải pháp hàng đầu nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nêu rõ Mỹ sẽ vẫn hoan nghênh việc đối thoại với Triều Tiên, cho rằng đây sẽ là "lộ trình được ưu tiên nhất" để hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Theo quan chức này, Washington sẽ tiếp tục duy trì chính sách đối thoại với Bình Nhưỡng, song vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẵn sàng theo đuổi cách tiếp cận này.

Trước đó, ngày 20/12/2023, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ra tuyên bố chung kêu gọi Triều Tiên tham gia “đối thoại thực chất, không kèm các điều kiện tiên quyết."

Tuyên bố trên được đưa ra 3 ngày sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-18.

Đây là vụ phóng ICBM thứ 5 của Triều Tiên trong năm nay. Bình Nhưỡng khẳng định vụ phóng thử này không gây tác động tiêu cực đến an ninh các nước láng giềng.

Trong tuyên bố mới nhất, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhấn mạnh vụ phóng tên lửa Hwasong-18 cho thấy “biện pháp chủ động đối phó” của Bình Nhưỡng, đồng thời để ngỏ khả năng triển khai một cuộc tấn công hạt nhân trong trường hợp có động thái hạt nhân mang tính khiêu khích từ bên ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục