Báo động đỏ khi 'thùng thuốc súng' trên Bán đảo Triều Tiên nóng trở lại

Vòng xoáy căng thẳng và chạy đua quân sự trong thời gian qua cho thấy "thùng thuốc súng" trên bán đảo Triều Tiên đang nóng trở lại và có nguy cơ nổ tung bất cứ lúc nào.

Ngày 18/12/2023, Triều Tiên xác nhận đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-18. (Ảnh: KCNA/TTXVN)
Ngày 18/12/2023, Triều Tiên xác nhận đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-18. (Ảnh: KCNA/TTXVN)

Năm 2023, đặc biệt là những tháng cuối năm, tình hình bán đảo Triều Tiên nóng trở lại và có chiều hướng leo thang nhanh chóng, đặt khu vực vào thế "báo động đỏ" về nguy cơ xung đột.

Với vụ Triều Tiên phóng tên lửa ngày 18/12 vừa qua, 2023 trở thành năm chứng kiến số lần phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiều nhất của Bình Nhưỡng (5 lần).

Trong số đó phải kể tới 3 vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sử dụng động cơ nhiên liệu rắn Hwasong-18, được đánh giá có tầm bắn hơn 15.000km, có khả năng vươn tới lục địa nước Mỹ. Động thái này cho thấy Triều Tiên đang gửi thông điệp mạnh mẽ về sức mạnh quân sự để tự vệ và tấn công.

Đáng chú ý, vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất diễn ra chỉ 1 ngày sau khi tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Missouri của Mỹ cập cảng Hàn Quốc, mà Bình Nhưỡng coi là "hành động mới nhất chứng tỏ Mỹ đang dự tính chiến tranh hạt nhân."

Trên thực tế, có thể nói bán đảo Triều Tiên đã bước vào một chu kỳ leo thang căng thẳng mới trong bối cảnh Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật-Hàn mở rộng các cuộc tập trận quân sự thường xuyên và Triều Tiên gia tăng các vụ thử vũ khí, trong đó có thử tên lửa, bao gồm cả những tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Sau mỗi hành động phô trương sức mạnh quân sự, hai bên lại chỉ trích lẫn nhau về việc biến bán đảo Triều Tiên trở thành "thùng thuốc súng."

Bán đảo Triều Tiên ngày đầu tiên của năm 2023 đã "nóng" với việc Triều Tiên phóng thử 1 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông sau khi tiến hành thử 3 tên lửa đạn đạo vào ngày cuối cùng của năm 2022.

Liên tiếp sau đó, Triều Tiên tiến hành nhiều vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, thử nghiệm hệ thống vũ khí hạt nhân tấn công dưới nước, hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật mới, tiến hành diễn tập tấn công hạt nhân chiến thuật mới, phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên... Quốc hội Triều Tiên đã thông qua sửa đổi Hiến pháp để thực hiện chính sách về xây dựng lực lượng hạt nhân như một biện pháp răn đe.

ttxvn-tap-tran-chung-9901.jpg
Các tàu quân sự tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật-Hàn ở vùng biển ngoài khơi đảo Jeju của Hàn Quốc, ngày 26/11/2023. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Năm 2023, Hàn Quốc, Mỹ cũng đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung hai bên và ba bên với Nhật Bản. Hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn trên bộ, trên không, trên biển, ngoài các sự kiện thường niên phải kể tới cuộc tập trận bắn đạn thật lớn chưa từng có hồi tháng 5 giữa Hàn Quốc và Mỹ, hay cuộc tập trận không quân quy mô lớn cuối tháng 10 với sự tham gia của khoảng 130 máy bay, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình.

Ngày 18/12, ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tiến hành tập trận chung tại vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên với sự tham gia của máy bay ném bom tầm xa B-1B của Mỹ.

Tháng Bảy năm nay, lần đầu tiên kể từ những năm 1980, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Mỹ đã cập cảng Hàn Quốc. Mỹ cũng điều nhiều máy bay, trong đó có máy bay ném bom B52 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên để tham gia tập trận chung. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc còn thống nhất đưa nội dung diễn tập chiến đấu hạt nhân vào kế hoạch tập trận quy mô lớn mang tên "Lá chắn tự do Ulchi" tháng 8/2024.

“Thùng thuốc súng” trên bán đảo Triều Tiên càng sôi sục khi Hàn Quốc quyết định đình chỉ một phần thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự, còn gọi là Thỏa thuận Quân sự Toàn diện (CMA) vốn được hai bên ký kết năm 2018, nhằm phản ứng vụ Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 hồi cuối tháng 11.

Ngay lập tức, Bình Nhưỡng thông báo hủy bỏ CMA và khôi phục tất cả các biện pháp quân sự đã tạm thời dừng lại theo thỏa thuận này. Theo CMA, Seoul và Bình Nhưỡng đồng ý “chấm dứt hoàn toàn mọi hành động thù địch chống lại nhau” qua việc thực hiện các biện pháp như đình chỉ các cuộc tập trận quân sự gần biên giới, hạn chế các cuộc tập trận bắn đạn thật, áp đặt các vùng cấm bay và duy trì đường dây nóng.

Việc hủy bỏ CMA giống như đòn giáng mạnh vào hy vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên bởi đây là thỏa thuận then chốt nhằm giảm nguy cơ xảy ra các sự cố đụng độ và bạo lực giữa hai bên.

Các hoạt động quân sự "ăn miếng trả miếng" giữa các bên trên bán đảo Triều Tiên năm 2023 khiến cơ hội giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân trong khu vực trở nên xa với. Khả năng trở lại mô hình "ngoại giao thượng đỉnh" (giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cũng như giữa Mỹ và Triều Tiên) vốn được tiến hành thành công vào năm 2018-2019 trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, ngày càng khó khăn.

Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia nhắc tới cơ chế đàm phán 6 bên, từng là cơ chế quan trọng để các bên liên quan giải quyết bất đồng về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thông qua đối thoại và thương lượng hòa bình từ năm 2003.

Chuyên gia Cheong Wook Sik, Giám đốc Viện Hòa bình Hankyoreh, nhấn mạnh sự cần thiết của việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên một cách sáng tạo, với sự tham gia của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Triều Tiên. Đây chính là khuôn khổ từng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý các cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên trong nửa đầu thập niên 2000 và cơ chế đối thoại này sẽ buộc 6 bên phải hợp tác, đồng thời giúp tránh nguy cơ đối đầu.

Chuyên gia Cheong Wook Sik cũng gợi ý thành lập một nhóm nghiên cứu chung của 6 bên về các vấn đề đòi hỏi cách tiếp cận từ cơ bản, trung hạn đến dài hạn như: giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chuyển từ chế độ đình chiến sang chế độ hòa bình, tạo lập hệ thống hòa bình và an ninh ở Đông Bắc Á, bình thường hóa quan hệ Triều Tiên với Mỹ và Nhật Bản, đồng thời kiểm soát và cắt giảm vũ khí ở Đông Bắc Á.

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Triều Tiên Choe Son-hui ngày 19/10 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moskva “ủng hộ việc thiết lập một quy trình đàm phán thường xuyên về các vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào."

Trong cuộc gặp với quan chức ngoại giao Triều Tiên ngày 18/12, phía Trung Quốc cũng khẳng định sẽ tiếp tục đóng “vai trò mang tính xây dựng” để thúc đẩy đàm phán.

Ngày 20/12, Mỹ-Nhật-Hàn đã ra tuyên bố chung kêu gọi Triều Tiên tham gia “đối thoại thực chất, không yêu cầu điều kiện tiên quyết."

Trong khi đó, phía Triều Tiên cho rằng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật-Hàn là hành động gây leo thang căng thẳng quân sự nguy hiểm, có thể đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên chìm sâu vào bế tắc.

ttxvn-ten-lua-trieu-tien-2-720.jpg
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) thị sát vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-18, ngày 18/12/2023. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Vòng xoáy căng thẳng và chạy đua quân sự trong thời gian qua cho thấy "thùng thuốc súng" trên bán đảo Triều Tiên đang nóng trở lại và có nguy cơ nổ tung bất cứ lúc nào. Điều cấp bách hiện nay là các bên liên quan cần hợp tác, kiềm chế, bởi chỉ nỗ lực ngoại giao mới có thể giải quyết các bất đồng, tránh kịch bản xấu nhất xảy ra.

Đề xuất về phương án "đình chỉ kép," theo đó cả Triều Tiên và Mỹ-Hàn Quốc đều phải tạm dừng các hoạt động quân sự, tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán, vẫn còn nguyên ý nghĩa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục