Nga có thể ''giúp'' phương Tây giải quyết vấn đề Trung Quốc?

Cựu cán bộ ngoại giao Australia đã đưa ra một ý kiến táo bạo rằng Australia và các quốc gia phương Tây khác có thể tận dụng Nga như một công cụ để kiềm chế tham vọng địa chính trị của Trung Quốc.
Nga có thể ''giúp'' phương Tây giải quyết vấn đề Trung Quốc? ảnh 1Xe đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay quốc tế Vladivostok, Nga, vào ngày 11/9/2018. (Nguồn: Getty)

Một nghị sỹ Australia mới đây đã đề xuất rằng Mỹ và các quốc gia phương Tây khác nên "phá băng" quan hệ với Nga để lôi kéo Moskva vào cuộc chiến chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc.

Tuy nhiên, làm như vậy có thể gây ra nhiều rắc rối hơn là khả năng nó có thể giúp giải quyết vấn đề mà Washington mong muốn.

Đây là nội dung bài phân tích của tác giả Ian Parmeter, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) đăng trên trang của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA).

[Giới chuyên gia đánh giá chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế Nga-Trung]

Nghị sỹ thuộc Đảng Tự do và từng là cán bộ ngoại giao Australia Dave Sharma đã đưa ra một ý kiến táo bạo rằng Australia và các quốc gia phương Tây khác có thể tận dụng Nga như một công cụ để kiềm chế tham vọng địa chính trị của Trung Quốc.

Ông Sharma đưa ra sự tương đồng giữa những biến động chính trị của Mỹ hiện tại và những biến động chính trị trong những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970.

50 năm trước, một Liên Xô đang trỗi dậy, như Trung Quốc ngày nay, đã quyết lợi dụng vị thế suy giảm của Mỹ trên thế giới để mở rộng quyền lực toàn cầu của mình.

Ông Sharma cho rằng Tổng thống Mỹ Richard Nixon, người nhậm chức năm 1969, đã bàn bạc với Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger để tìm cách tiếp cận Trung Quốc.

Mục đích là biến nước này thành một bên thứ ba trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường, do đó buộc Nga phải phân tâm giữa hai đối thủ tiềm tàng. Gợi ý của Sharma là đảo ngược mưu đồ của Nixon, phá băng quan hệ với Nga để xích lại gần Moskva nhằm đối trọng với Trung Quốc.

Tuy nhiên, đề xuất này tồn tại nhiều vấn đề. Tuy nhiên, ở mặt tích cực, việc một nghị sỹ cấp thấp thuộc bất kỳ đảng phái nào có ý tưởng đóng góp cho chính sách đối ngoại của Australia, cho dù được chấp nhận hay không, cũng là một vấn đề đáng ghi nhận.

Hồi năm 2019, một nghị sỹ khác thuộc đảng Tự do, Andrew Hastie, cũng đã có một đóng góp công khai tương tự về Trung Quốc.

Đáng buồn là những ý kiến xây dựng như vậy của các nghị sĩ là rất hiếm hoi và các cuộc tranh luận của quốc hội về các vấn đề quốc tế vẫn có xu hướng tập trung vào các chiến thuật “khổ lắm nói mãi.” Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hy vọng.

Phân tích thiếu sót

Có ý kiến cho rằng đáng thất vọng là ông Sharma dường như không nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi viết.

Sự so sánh của ông với chính sách đối ngoại của Nixon-Kissinger là thiếu sót. Thời điểm năm 1969, Trung Quốc đại diện cho một cơ hội lớn đang chờ đợi để được Mỹ và phương Tây nắm bắt chắc hơn.

Sau khi cuộc cách mạng văn hóa kết thúc, nhà lãnh đạo Trung Quốc Chu Ân Lai đã nổi lên là một người mà các nhà lãnh đạo thế giới khác có thể hợp tác; và các doanh nghiệp Mỹ và phương Tây đang thèm khát khởi nghiệp tại Trung Quốc để có thể nắm bắt những triển vọng thương mại tại đây.

Vì vậy, tiếp cận với Trung Quốc vào thời điểm đó chứa đựng lý do hợp lý ngoài những nhu cầu cấp bách về an ninh trong Chiến tranh Lạnh.

Nhà lãnh đạo Công đảng đối lập của Australia lúc đó là Gough Whitlam đã nắm bắt được tình hình. Whitlam đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng 7/1971 bất chấp thực tế Australia đã công nhận Đài Bắc là thủ đô của Trung Quốc.

Chuyến đi đột phá này của ông diễn ra chỉ vài tuần trước khi Kissinger triển khai nhiệm vụ mật của mình nhằm thiết lập chuyến thăm của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc vào đầu năm 1972.

Trong các cuốn sách của mình với đầu đề "Diplomacy và World Order" (tạm dịch là "Ngoại giao và Trật tự Thế giới"), ông Kissinger đã lưu ý rằng Tổng thống Nixon đã nhìn thấy tiềm năng địa chính trị của việc đưa Trung Quốc vào thế đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ.

Nhưng điều đó không có nghĩa là biến Trung Quốc thành đồng minh để chống lại Moskva - như cách ông Sharma cho rằng phương Tây có thể dùng Nga làm đồng minh để chống Trung Quốc thời nay.

Sự phân chia ý thức hệ Trung-Xô từ những năm 1950 đã phá vỡ mối quan hệ giữa hai quốc gia này và thậm chí còn xảy ra các cuộc đụng độ vũ trang ở các khu vực biên giới vào cuối những năm 1960.

Tại thời điểm ông Kissinger thăm Bắc Kinh năm 1971, Liên Xô đã có lý do để phòng ngừa khu vực sườn phía Đông của họ.

Ông Sharma không đề cập đến việc Nixon cũng đã liên hệ với Liên Xô, cũng như với Trung Quốc, ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Chính sách của Nixon-Kissinger đối với Trung Quốc là tái lập mối quan hệ hữu nghị còn đối với Moskva là giảm bớt căng thẳng.

Mục tiêu lớn hơn của Nixon ở thời điểm đó là đưa Mỹ ra khỏi chiến tranh Việt Nam trong danh dự - "Hòa bình trong Danh dự" - và một trong những mục tiêu chính của việc tiếp cận Trung-Xô của ông là không hai nước này cản trở mục tiêu này.

Có lẽ đỉnh cao của chiến lược giảm bớt căng thẳng của Nixon là vào giữa năm 1973 với chuyến thăm của nhà lãnh đạo Liên Xô Brezhnev tới Washington.

Tạp chí The Economist đã rất hoài nghi về chiến lược giảm bớt căng thẳng này: trang bìa của tạp chí này vào thời điểm đó đăng một bức ảnh của Nixon và Brezhnev nâng cốc trong bữa tối ở Nhà Trắng với chú thích, trích dẫn một câu của nhà văn chuyên viết truyện cho trẻ em A.A.Milne, rằng: “Chẳng phải thật thú vị khi biết gấu thích mật ong đến mức nào?”

Giới hạn của chiến lược giảm bớt căng thẳng

Chiến lược giảm bớt căng thẳng đã không kéo dài quá lâu. Những hạn chế của nó trở nên rõ ràng vào cuối năm 1973 do những căng thẳng nghiêm trọng giữa Washington và Moskva liên quan cuộc chiến tranh Arab-Israel 1973.

Mặc dù cả hai siêu cường đồng chủ trì hội nghị hòa bình ở Geneva ngay sau cuộc chiến này, song chỉ trong vòng một năm, Mỹ đã gạt Moskva ra khỏi quá trình thực hiện chiến lược giảm căng thẳng này để tập trung triển khai chính sách ngoại giao con thoi mà Kissinger tiến hành với các nước Trung Đông.

Mỹ sau đó đã tự chủ trì các cuộc đàm phán giữa Ai Cập-Israel vốn dẫn đến Hiệp định Trại David (David Camp) năm 1978.

Mối quan hệ song phương Mỹ-Xô trở nên căng thẳng hơn sau khi Liên Xô xâm lược Afghanistan hồi năm 1979. Và nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân chỉ kịp được ngăn chặn lại khi Moskva hiểu nhầm rằng cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1983 là sự khởi động cho một cuộc tấn công thực sự vào Liên Xô.

Kể từ đó, các sự kiện sau này chỉ làm củng cố sự hoài nghi của Moskva đối với phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, người Nga mong đợi viện trợ lớn của Mỹ để xây dựng lại nền kinh tế bị tàn phá.

Thay vào đó, họ nhận được lời khuyến nghị của các nhà kinh tế học ở Chicago về các biện pháp tư nhân hóa triệt để khiến hàng triệu người mất việc làm và đồng ruble lao dốc.

Và bất chấp những gì người Nga tuyên bố về việc Mỹ đã hứa sẽ không mở rộng NATO về phía Đông thì vào năm 2004, thành viên của NATO đã mở rộng để bao gồm một số thành viên của Hiệp ước Vácsava cũ, qua đó NATO đã chạm đến biên giới Nga.

Trong khi đó, những bình luận thiếu thận trọng của phương Tây về vị thế suy giảm của Nga đã làm cựu siêu cường Moskva cảm thấy hổ thẹn. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhắc đến Nga như một cường quốc trong khu vực được xếp hạng đặc biệt.

Trong bối cảnh như vậy, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi tinh thần dân tộc chủ nghĩa Nga đã được người dân nước này hưởng ứng và là một trong những lý do giải thích cho uy tín nhận được sự ủng hộ rất cao đối với Putin trong suốt 20 năm cầm quyền, bất chấp cách thức ông thao túng các cuộc bầu cử và bản chất tham nhũng và độc tài của chính phủ do ông lãnh đạo.

Sự đảo ngược chính sách

Nếu Australia thúc đẩy các chính phủ phương Tây khác thực hiện đề nghị như của nghị sĩ Sharma, thì Canberra cần từ bỏ những quan điểm mang tính nguyên tắc về mặt chính sách liên quan đến Nga.

Đối với Moskva, để xem xét liên kết với phương Tây, chắc chắn Nga sẽ yêu cầu phương Tây dỡ bỏ những lệnh trừng phạt do việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và chấm dứt tiến trình pháp lý hiện tại ở La Haye về vụ bắn rơi máy bay MH17 năm 2014 khiến 37 người Australia thiệt mạng.

Nga chắc chắn cũng sẽ yêu cầu Australia từ bỏ các tuyên bố chỉ trích, như tuyên bố của Ngoại trưởng Marise Payne cáo buộc Moskva (cũng như Trung Quốc) thực hiện các chiến dịch thông tin sai lệch trong tuần này. Thế nhưng, cả Australia và bất kỳ quốc gia phương Tây nào cũng không thể chấp nhận điều này.

Nhưng tại sao Tổng thống Putin thậm chí nên xem xét đề xuất của Sharma? Khi người tiền nhiệm của Putin, ông Boris Yeltsin, tiếp cận phương Tây vào đầu những năm 1990, trong quan điểm của hầu hết người Nga, ông đã không nhận được lợi lộc gì.

Với tiền lệ đó, chính quyền Tổng thống Putin chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại chống lại chiến lược toàn cầu của Mỹ, hủy hoại các mục tiêu của Mỹ khi ông Putin thể hiện sự phản đối thông qua quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông Putin có thể không được yêu thích nhưng quan điểm của ông không thể bị bỏ qua.

Donald Trump là một món quà dành cho ông Putin từ khi lên nắm quyền là lãnh đạo nước Mỹ. Tổng thống Mỹ mới đây đã đề nghị mời Nga trở lại nhóm các nước phát triển G7 - một nhóm mà Nga đã bị trục xuất sau vụ sáp nhập Crimea - mặc dù Nga đã không làm gì để có được một sự nhượng bộ như vậy.

Bên cạnh đó, ông Putin hiện đang có mối quan hệ ổn định với Tập Cận Bình vốn hỗ trợ Putin triển khai các các hoạt động địa kinh tế cũng như địa chính trị.

Vậy vì sao ông Putin lại cần đánh đổi những điều đó để đến với một nước Mỹ khó lường và dường như cũng đang thất bại hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục