Ngân hàng trung ương Nhật Bản giữ chính sách nới lỏng tiền tệ

Ngân hàng Nhật Bản đã quyết định giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại của nước này, với chương trình kích thích kinh tế trị giá 665 tỷ USD.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản giữ chính sách nới lỏng tiền tệ ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Nhật Bản ở Tokyo. (Nguồn: Getty)

Ngày 7/10, sau hai ngày nhóm họp, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ - ngân hàng trung ương) đã quyết định giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại của nước này, với chương trình kích thích kinh tế trị giá 80.000 tỷ yen (665 tỷ USD).

Động thái trên của BOJ phản ánh nhận định của ngân hàng này rằng xu hướng lạm phát của kinh tế Nhật Bản vẫn tiếp tục bất chấp sức ép tăng trưởng chậm, giá tiêu dùng chững lại và nguy cơ thiểu phát tái diễn, vì vậy hiện tại không cần thiết nới lỏng chính sách hơn nữa.

BOJ giữ nguyên đánh giá đã đưa ra trước đó, rằng nền kinh tế Nhật Bản "tiếp tục phục hồi ở mức độ vừa phải, dù xuất khẩu và sản xuất bị ảnh hưởng bởi tình trạng tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế đang nổi". BOJ đánh giá lạm phát hiện nay có thể ở mức khoảng 0% do ảnh hưởng giá năng lượng giảm, tuy nhiên ngân hàng này hy vọng đạt mục tiêu lạm phát 2% vào nửa đầu tài khóa 2016.

BOJ đưa ra quyết định trên chỉ một ngày sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng của Nhật Bản trong năm nay và năm tới. Trong bản đánh giá Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố nửa năm một lần, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2015 đạt 0,6% và năm 2016 đạt 1,0%. Hai con số này đều thấp hơn các mức dự báo của IMF hồi đầu năm, lần lượt là 0,8% và 1,2%.

Tháng 4/2013, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố kế hoạch mang tên Abenomics nhằm kích thích kinh tế và chấm dứt tình trạng thiểu phát bằng một chương trình chi tiêu công và mua tài sản. Chính sách kinh tế Abenomics cho thấy nhiều hứa hẹn, với việc thị trường chứng khoán tăng điểm và tăng trưởng GDP được thúc đẩy, nhưng các chỉ số xấu gần đây đang gây hoài nghi về hiệu quả của chính sách này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục