Sức khỏe là tài sản vốn quý nhất của mọi người, mọi nhà. Năm mới đến, trong những ngày đầu Xuân, câu chúc cửa miệng luôn là chúc nhau sức khỏe dồi dào. Bởi như người xưa từng nói: Có sức khỏe là có tất cả.
Năm 2014 đã khép lại. Nhân dịp Xuân Ất Mùi, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về công tác ngành y tế trong một năm vừa qua, định hướng những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 để công tác chăm sóc sức khỏe người dân luôn có những chuyển biến tích cực, phục vụ người bệnh tốt hơn.
Tăng giường, giảm chữ ký
- Thưa Bộ trưởng, năm 2014 có thể nói là một năm đầy ắp các sự kiện trong ngành y tế. Nhìn lại năm qua, với cương vị là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng cho biết đã hài lòng nhất về điều gì?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Năm 2014 đã khép lại. Nhìn lại một năm vừa qua, ngành y tế đã đạt được một số những thành tựu nhưng cũng có không ít khó khăn.
Thành tựu đáng ghi nhớ nhất đó là những nỗ lực giảm tải bệnh viện. Lần đầu tiên đã có 15 bệnh viện tự nguyện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép giường. Đây là chỉ tiêu trong đề án đề giảm tải của ngành y tế.
Thứ hai, năm vừa qua, ngành y tế đẩy mạnh hoạt động của đường dây nóng với ba cấp: cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương để lắng nghe, ghi nhận, giải quyết những thắc mắc, phàn nàn của người dân phản ánh về thái độ quy trình khám chữa bệnh và những bức xúc của người dân.
Năm vừa qua, đã có 98.760 cuộc gọi phản ánh đến đường dây nóng. Theo kết quả xử lý của các đơn vị từ phản ánh của người dân qua đường dây nóng trong năm 2014, đã có hơn 6.800 cán bộ bị nhắc nhở, gần 120 người bị cắt thi đua, điều chuyển vị trí công tác 19 người, cho thôi việc 4 cán bộ, cách chức 6 người…
Thứ ba là công tác khám chữa bệnh đã có nhiều chuyển biến. Tại các bệnh viện, số bàn khám tăng lên gấp đôi, qua đó thời gian chờ đợi khám trung bình của một bệnh nhân đã được giảm đi 50 phút. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã tiến hành cải cách quy trình khám chữa bệnh, giảm quy trình khám bệnh giảm từ 9 chữ ký xuống còn 4 chữ ký, từ 12 quy trình xuống còn 4-5 quy trình…
Tồn tại trong vấn đề truyền thông
- Trong năm qua cũng là một năm xảy ra nhiều sự cố không mong muốn trong ngành y tế. Bộ trưởng có thể chia sẻ điều gì khiến bà vẫn còn cảm thấy trăn trở?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Đúng vậy, năm 2014 cũng là năm bộc lộ khá nhiều điều tồn tại một cách tương đối hệ thống của ngành y tế trong nhiều năm trong điều kiện hiện nay. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng ngành y với nhiều rủi ro khác nhau, với tai biến trong phòng bệnh và trong công tác chữa bệnh, nếu có một điều gì sơ suất của cán bộ y tế cũng như phối hợp với người dân. Đó là đặc thù khó khăn số 1 mà ngành y luôn luôn phải đối mặt.
Năm qua, có nhiều sự cố điển hình. Đầu tiên đó là sự cố tiêm nhầm vắcxin, các tai biến y khoa. Thứ hai là việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở các bệnh viện tuyến cuối hay y tế xã vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trạm y tế xã tạo nên sự quá tải rất lớn. Từ việc quá tải dẫn tới chất lượng y tế kém.
Thứ ba là hệ quả của cơ chế thị trường và hội nhập, những vấn đề của mặt trái của thị trường như liên doanh liên kết máy móc trang thiết bị y tế, chẳng hạn như vấn đề nhập khẩu trang thiết bị y tế không tốt, gian lận thương mại trong lĩnh vực y tế…
Đó còn là tồn tại trong vấn đề truyền thông. Trước kia, Bộ Y tế không chủ động cung cấp thông tin với báo chí, từ đó không nhận được sự đồng lòng, đồng cảm. Dẫn đến người dân không hiểu hết được vai trò của tiêm chủng, không đi tiêm, dẫn đến dịch bệnh bùng phát, hậu quả là người dân sẽ lãnh.
- Những sự cố xảy ra xảy ra trong năm 2014 đã khiến không ít người dân lo lắng. Bộ trưởng có thể cho biết, để khắc phục những tồn tại, công tác y tế trọng điểm của ngành y tế được xác định trong năm 2015 là gì?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện nay, vấn đề gây bức xúc nhất, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và gây phiền lòng cho người dân đó là vấn đề quá tải ở tuyến cuối, dẫn đến chất lượng khám chữa bệnh không đạt như ý.
Vấn đề “nóng” nhất hiện nay chúng tôi quan tâm là chung tay giảm tải bệnh viện và những bệnh viện tuyến Trung ương sẽ phải tiếp tục do có khả năng tùy họ sẽ tiếp tục đăng ký không để bệnh nhân nằm ghép và một số bệnh viện tuyến cuối ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng những bệnh viện trung ương trực thuộc bộ sẽ có tiến triển tốt hơn.
Thời gian qua, Bộ Y tế không dàn trải mà tập trung vào các bệnh viện trọng điểm. Hiện tại, muốn giảm tải thì phải tăng số giường bệnh. Trước thực trạng dân số tăng nhanh mà không mở thêm các buồng bệnh, giường bệnh thì không có cách nào khác, dù có tăng năng lực tuyến dưới lên bao nhiêu mà số giường bệnh trên 10.000 dân quá thấp sẽ không giải quyết được tình trạng quá tải.
Thời gian tới, một số giường bệnh trực thuộc bộ số giường bệnh sẽ tăng lên nhiều, nên chắc chắn tình trạng giảm tải ở tuyến Trung ương sẽ có chuyển biến rõ. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi khó như: Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay cơ sở vật chất chưa được cải thiện. Vấn đề của Thành phố Hồ Chí Minh là phải bố trí các bệnh viện vệ tinh tuyến quận, huyện nhiều hơn trong khi chờ xây các bệnh viện mới.
Bao giờ hết nằm ghép
- Thưa Bộ trưởng, là người đứng đầu, chỉ đạo ngành y tế, Bộ trưởng có thể đưa ra nhận định đến bao giờ người bệnh sẽ không còn phải nằm ghép?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Lộ trình để giải quyết cơ bản vấn đề nằm ghép được đưa ra đến năm 2020. Để thực hiện được lộ trình này, Bộ Y tế có sự chỉ đạo từ cuối năm 2014, những bệnh viện trực thuộc bộ đã phải có những nỗ lực để có những cam kết, sau đó là những bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và những bệnh viện tỉnh.
Theo tôi, hiện nay các bệnh viện khó thực hiện giảm tải nhất là những bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện đóng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, còn các bệnh viện tỉnh họ có thể làm được.
Vì vậy, lộ trình giải quyết cơ bản giảm tải bệnh viện trong năm 2015 và tiến tới không nằm ghép 2020 chúng tôi nghĩ đó là một lộ trình có tính khả thi nhưng đó là sự nỗ lực không chỉ riêng ngành y tế mà của cả xã hội, trong đó có vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng, phân bổ nguồn lực, cải cách giá dịch vụ y tế…
- Để có cái Tết an toàn, không có dịch bệnh bùng phát, Bộ trưởng có thể cho biết ngành y tế đã có sự chuẩn bị như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Theo tôi, để có cái Tết an toàn vui và khỏe mạnh người dân cần có ý thức về phòng bệnh. Thứ hai là vấn đề an toàn thực phẩm, ngành y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra từ Trung ương tới tỉnh, huyện, xã, trong đó vấn đề xử phạt đang tăng cường quyết liệt và thông tin truyền thông tới tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối, lưu thông tuyên truyền những mặt hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm để người dân không dùng.
Thứ ba ngành y tế tổ chức trực Tết nghiêm túc và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của người dân trong cấp cứu thảm họa nếu có.
Nhân dịp Tết Nguyên đán, chúng ta chúc phúc cho nhau những điều tốt đẹp, trong đó, sức khỏe là vốn quý nhất. Tôi xin gửi lời chúc tất cả người dân có sức khỏe tốt, không mắc bệnh và nếu có bệnh trong người thì được phát hiện sớm và điều trị tốt nhất. Tôi xin gửi lời chúc tới những người đồng nghiệp trong ngành y có sức khỏe, đoàn kết, hết lòng phục vụ nhân dân và người bệnh./.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!