Nghị viện châu Âu chấp thuận đề nghị gia nhập Eurozone của Litva

Nghị viện châu Âu (EP) đã chấp thuận đề nghị xin gia nhập Eurozone của Litva, mở đường cho quốc gia vùng Baltic này trở thành thành viên thứ 19 của Eurozone từ năm 2015.
Nghị viện châu Âu chấp thuận đề nghị gia nhập Eurozone của Litva ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Với 545 phiếu thuận, 116 phiếu chống và 34 phiếu trắng, ngày 16/7, Nghị viện châu Âu (EP) đã chấp thuận đề nghị xin gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) của Litva, mở đường cho quốc gia vùng Baltic này trở thành thành viên thứ 19 của Eurozone bắt đầu từ năm 2015.

Các Bộ trưởng Tài chính trong Hội đồng châu Âu sẽ đưa ra quyết định cuối cùng cho việc gia nhập nói trên của Litva trước thời hạn cuối tháng Bảy này, đồng thời sẽ ấn định tỷ giá hối đoái giữa đồng lita nội tệ của Litva và đồng euro.

Hiện tại, 3,45 lita đổi được 1 euro.

Trước đó, hồi tháng Sáu năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) đã xác nhận Litva đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để gia nhập eurozone, trong đó gồm 5 tiêu chí chính được đặt ra trong Hiệp ước Maastricht 1992, như lạm phát hàng năm dưới 1,5% trong tổng mức lạm phát trung bình của ba quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất Liên minh châu Âu (EU); tỷ lệ thâm hụt ngân sách không vượt quá 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP); nợ công không vượt quá 60% GDP; lãi suất dài hạn cao hơn 2 điểm phần trăm so với mức trung bình của ba quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất EU thông qua chính sách bình ổn giá; và cuối cùng là tiêu chí quốc gia thành viên cần tham gia cơ chế tỷ giá hối đoái chung của EU trong 2 năm, nhằm hạn chế sự biến động thất thường giữa đồng euro và đồng tiền riêng của quốc gia thành viên đó.

Ngoài 5 tiêu chí này, cơ quan lập pháp của quốc gia thành viên cũng phải tuân thủ tất cả những yêu cầu được đặt ra trong các hiệp ước của EU đối với việc sử dụng đồng euro, đặc biệt là tính độc lập của ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Mặc dù xác nhận Litva đủ điều kiện gia nhập Eurozone, nhưng ECB cũng đưa ra khuyến cáo quốc gia Baltic này sẽ gặp khó khăn trong duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức thấp khi phải đối diện với những khó khăn trong kiểm soát áp lực về giá cả trong nước, cũng như tránh để kinh tế phát triển quá nóng trong môi trường có tỷ giá hối đoái cố định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục