Nhận định chứng khoán tuần tới: Khó khăn trong việc kiếm lời

Những thông tin trái chiều về đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể khiến giới đầu tư thận trọng và thị trường chứng khoán Việt Nam có lẽ cần thêm thời gian tích lũy trước khi bắt đầu một nhịp tăng mới.
Nhận định chứng khoán tuần tới: Khó khăn trong việc kiếm lời ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Những thông tin vĩ mô tốt xấu đan xen, đặc biệt là diễn biến mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đang ảnh hưởng đến xu hướng của các thị trường chứng khoán trên thế giới; trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiện tại, những thông tin trái chiều về đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể khiến giới đầu tư thận trọng và thị trường chứng khoán Việt Nam có lẽ cần thêm thời gian tích lũy trước khi bắt đầu một nhịp tăng mới.

Xét đến nội tại của thị trường đang khá vững khi các chỉ số vẫn duy trì được sắc xanh và thanh khoản giữ ở mức khá cao. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch qua (từ 4-8/11), chỉ số VN-Index tăng 0,7% lên 1.022,49 điểm; trong khi chỉ số HNX-Index tăng 1,4% lên 107,27 điểm. Thanh khoản xấp xỉ so với tuần trước đó, đạt khoảng hơn 4.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

[Kỳ vọng chỉ số VN-Index chạm ngưỡng 1.040 điểm trong tháng 11]

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có vai trò dẫn sóng thị trường trong tuần qua và đó là động lực chính giúp các chỉ số giữ được sắc xanh. Hàng loạt mã trụ cột trong nhóm cổ phiếu này tăng mạnh như TCB tăng tới 5,7%, BID (4,2%), 3 mã là VCB, VPB và SHB đều tăng 3%, ACB (2,5%), MBB (2%), HDB (1,2%).

Nhóm cổ phiếu ngân hàng thu hút được dòng tiền lớn và có lẽ còn nhiều động lực tăng trưởng trong tuần tới.

Những mã cổ phiếu đầu ngành đang có sự phân hóa với sắc xanh đỏ, đan xen. Nổi bật ở chiều tăng giá phải kể đến 2 mã cổ phiếu ngành thép là HPG tăng tới 3,7%, HSG tăng 2,4%, cổ phiếu đầu ngành công nghệ là FPT tăng 1,9%.

Nhóm cổ phiếu của Vingroup có diễn biến trái chiều khi VIC giảm 1,7%, VRE giảm 1,2% thì VHM lại tăng tới 3,4%.

Xét đến nhóm thực phẩm đồ uống, VNM giảm 2,4%, SAB đi ngang, MSN tăng 1,5%. Những cổ phiếu đầu ngành hàng không là VJC giảm 1,5%, HVN giảm 1%.

Như vậy, xét tổng thể thì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn khá tích cực trong tuần qua khi có những mã tăng giá mạnh, trong khi số cổ phiếu ở chiều giảm giá ít hơn ở chiều tăng giá.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng tăng giá khá manh với GAS tăng 1,2%, PVS (2,2%), PVD (1,3%), PVB (1%) giúp thị trường hưng phấn hơn.

Sự tăng giá của nhóm cổ phiếu dầu khí là khá tương đồng với diễn biến của giá dầu thế giới trong tuần qua.

Kết phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 8/11), giá dầu West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 12/2019 tăng 9 xu Mỹ (0,2%), chốt phiên ở mức 57,24 USD/thùng tại sàn giao dịch hàng hóa New York, sau khi giao dịch ở mức thấp 55,76 USD/thùng trong phiên. Trong cả tuần, giá dầu chuẩn của Mỹ tăng gần 1,9%.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 1/2020 chốt phiên cuối tuần tăng 22 xu Mỹ (0,4%), lên mức 62,51 USD/thùng tại sàn ICE Futures Europe, sau khi tăng 0,9% trong phiên trước. Tính cả tuần, giá dầu chuẩn quốc tế này tăng 1,3%.

Tuy vậy, có lẽ sự tăng trưởng của nhóm cổ phiếu dầu khí còn gặp nhiều trở ngại khi phụ thuộc nhiều vào xu hướng của giá dầu thế giới.

Theo nhà phân tích tại FXTM, Lukman Otunuga, những dấu hiệu trái ngược về việc khi nào Mỹ và Trung Quốc nhất trí thỏa thuận nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng qua đã gây sức ép lên giá dầu vào đầu phiên 8/11.

Thông tin từ các phương tiện truyền thông đưa ra vào ngày 7 và 8/11 cho thấy có sự phản đối quyết liệt tại Mỹ về thỏa thuận mới với Trung Quốc trong việc từng bước dỡ bỏ thuế. Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là mối lo ngại chính đối với nhu cầu dầu mỏ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Ngày 8/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong phát biểu với báo giới cho biết, ông chưa nhất trí dỡ bỏ thuế áp lên hàng hóa của Trung Quốc. Thêm vào đó, thông tin gần đây về dự trữ dầu cho thấy nguồn cung đang tăng nhanh hơn tốc độ tiêu thụ.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 6/11 cho biết, nguồn cung dầu thô của nước này tăng tuần thứ hai liên tiếp, lên 7,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 1/11.

Xét đến diễn biến của các thị trường chứng khoán trên thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua tuần giao dịch đầy biến động, nhưng cũng lập kỷ lục do chịu ảnh hưởng từ diễn biến mới trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Phiên cuối tuần, chứng khoán Mỹ tiếp tục ghi nhận các mức cao kỷ lục khi giới đầu tư vẫn khá lạc quan về triển vọng của một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, dù có nhiều dấu hiệu trái chiều trong vấn đề này.

Ngày 8/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông chưa đồng ý dỡ bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như một điều kiện cho thỏa thuận thương mại ban đầu mà ông hy vọng có thể ký kết với Bắc Kinh. Điều đó trái ngược với một thông báo trước đó của Bộ Thương mại Trung Quốc rằng, hai nước đã nhất trí dỡ bỏ các mức thuế hiện hành đối với hàng hóa của nhau theo từng giai đoạn để có thể đi đến thỏa thuận thương mại “giai đoạn một.” 

Bình luận trên của Tổng thống Trump đã gây sức ép lên Phố Wall trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên này, nhưng thị trường đã dần tiến vào vùng tăng điểm vào cuối phiên, đưa cả ba chỉ số chính của Mỹ lên các mức kỷ lục mới khi giới đầu tư vẫn tin rằng thỏa thuận “Giai đoạn một” sẽ được ký kết.

Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 1% lên 27.681,24 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq ghi thêm 0,5% lên 8.475,31 điểm. Đáng chú ý, đây là phiên xác lập kỷ lục thứ ba của chỉ số S&P 500 trong tuần này, với mức tăng 0,3% lên 3.093,08 điểm.

Xét đến yếu tố vốn ngoại, tuần qua trên toàn thị trường, khối ngoại mua ròng gần 8 triệu cổ phiếu với giá trị 92 tỷ đồng. Như vậy, thực tế nội tại của các nhóm cổ phiếu vẫn khá vững, dù khối ngoại duy trì mua ròng không lớn.

Bên cạnh đó, diễn biến của phiên cuối tuần cho thấy, thị trường đang bị kiềm chế do thanh khoản có dấu hiệu giảm nhẹ. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS, thanh khoản giảm sẽ là nhân tố hạn chế nỗ lực của thị trường.

Dưới góc nhìn của nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), dòng tiền trên thị trường vẫn duy trì trên mức trung bình 20 phiên, nhưng vẫn chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu trụ cột khiến cho việc kiếm lời trên thị trường trở nên khó khăn hơn khi nhà đầu tư phải lựa chọn cổ phiếu một cách khôn khéo.

Cùng với đó, VN-Index vẫn đang trong vùng 1.020-1.025 điểm (đỉnh tháng 10/2018) và chưa thể đóng cửa trên vùng này cho thấy chỉ số vẫn cần thêm thời gian tích lũy trước khi bước vào một nhịp tăng mới với mục tiêu gần nhất là vùng 1.040-1.045 điểm (đỉnh tháng 6/2018)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục