Nhật Bản dỡ bỏ tất cả cảnh báo và khuyến cáo về sóng thần

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết có khả năng xảy ra một số dao động sóng sau vụ phun trào núi lửa ở Tonga, nhưng không còn khả năng xảy ra sóng thần trên khắp Nhật Bản.
Nhật Bản dỡ bỏ tất cả cảnh báo và khuyến cáo về sóng thần ảnh 1Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tại thị trấn Futaba, tỉnh Fukushima, nơi từng bị tàn phá gây sự cố hạt nhân trong thảm hoạ động đất sóng thần Nhật Bản, ngày 10/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chiều 16/1, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã dỡ bỏ tất cả các cảnh báo và khuyến cáo về sóng thần mà cơ quan này đã ban bố vào sáng cùng ngày sau vụ phun trào núi lửa ở Tonga.

Các quan chức JMA cho biết có khả năng xảy ra một số dao động sóng, nhưng không còn khả năng xảy ra sóng thần trên khắp Nhật Bản.

Trước đó, rạng sáng 16/1, JMA đã phát đi cảnh báo về khả năng xảy ra sóng thần ở một số đảo phía Tây Nam, trong đó có đảo Amami, và tỉnh Iwate ở phía Đông Bắc nước này sau khi phát hiện có sóng thần ở gần bờ biển phía Thái Bình Dương.

[Nhật Bản phát hiện sóng thần sau khi núi lửa ở Tonga phun trào]

JMA cảnh báo các khu vực trên có thể chứng kiến các đợt sóng thần cao tới 3m. Đây là lần đầu tiên JMA ban bố cảnh báo về sóng thần kể từ sau trận động đất có cường độ 7,4 richter vào tháng 11/2016.

Theo Cơ quan Phòng cháy và Quản lý Thảm họa (FDMA) của Nhật Bản, có ít nhất 210.000 người ở 7 tỉnh, gồm Aomori, Iwate, Miyagi, Chiba, Kochi, Miyazaki và Kagoshima, đã được yêu cầu tránh xa khu vực bờ biển.
Tuy nhiên, trên thực tế, JMA chỉ ghi nhận các đợt sóng thần cao 1,2m ở thành phố Amami và 1,1m ở tỉnh Iwate.

Ngoài ra, JMA cũng phát hiện các đợt sóng thần có độ cao dưới 1m ở các khu vực nằm ven bờ biển Thái Bình Dương, từ Hokkaido tới Kyushu và Okinawa. Cho đến nay, Nhật Bản vẫn chưa có báo cáo về thương vong do các đợt sóng thần này gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục