Nhiều ngân hàng kiến nghị tăng vốn và sửa đổi gói hỗ trợ 2%

Lãnh đạo các ngân hàng cùng kiến tăng vốn trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước còn ở mức rất khiêm tốn.
Nhiều ngân hàng kiến nghị tăng vốn và sửa đổi gói hỗ trợ 2% ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại lớn tiếp tục nêu ra vấn đề về tăng vốn điều lệ.

Vốn vẫn là giải pháp cấp thiết

Tại hội nghị, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng vẫn tiếp tục kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước cho phép được tăng vốn điều lệ.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế. Việc này chắc chắn không ảnh hưởng đến công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước do các ngân hàng thương mại nhà nước đều bị hạn chế bởi quy mô vốn điều lệ.

[Thủ tướng: Cân bằng giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng]

Bên cạnh đó, ông Dũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép được áp dụng cơ chế tiền lương theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh để Vietcombank nói riêng và các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung để giữ chân, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong 5 năm qua (2016-2021), năng suất lao động bình quân của Vietcombank tăng hơn 200%, nhưng tiền lương bình quân chỉ tăng 15%.

“Chúng tôi cũng xin kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan cho phép có cơ chế lương riêng, không thuộc quỹ lương chung của ngân hàng, dành cho các vị trí công việc đặc thù, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Trước mắt, có thể cho phép triển khai thí điểm với các điều kiện ràng buộc về hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động,” ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng kiến nghị tiếp tục ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế.

“Vietcombank rất mong sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của các năm 2019 và 2020 sau khi trích lập các quỹ. Trong năm 2023, Vietcombank dự kiến xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước để trình Đại hội đồng cổ đông tiếp tục tăng vốn điều lệ sử dụng toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 và các năm trước,” ông Dũng nói.

Cũng liên quan đến vốn điều lệ, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank chia sẻ, do vốn điều lệ thấp nên theo quy định thì với quy mô tín dụng hiện tại, Agribank không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng vì vậy trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ ở mức thấp so với bình quân chung toàn hệ thống.

"Vì vậy, việc cấp vốn điều lệ cho Agribank là việc rất cấp thiết để Agribank đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023 phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông, Chính phủ cần tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho Agribank trong năm 2023," Chủ tịch Agribank nhấn mạnh.

Đại điện cho các thành viên ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tăng vốn điều lệ cho Agribank để đảm bảo đáp ứng hệ số CAR theo quy định vì hiện nay với số vốn điều lệ của Agribank đã sát với ngưỡng cho phép nếu không tăng vốn điều lệ sẽ hạn chế cả hoạt động huy động vốn lẫn cho vay.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022 để tăng nguồn lực tài chính, đảm bảo chỉ số an toàn vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Ông Tú dẫn chứng, theo thống kê, hệ số CAR đến tháng 10/2022 các ngân hàng thương mại nhà nước là 9,04%, ngân hàng thương mại cổ phần là 12,92%, mức này đang rất thấp so với các nước trong khu vực (Philippines 16,29%; Singapore 17,2%; Malaysia 18,3%; Th ái Lan 19,3%; Indonesia 23,3%). Các nước trong khu vực đã thực hiện Basel 3 hoặc một phần Basel 3, trong khi Việt Nam mới thực hiện Basel 2.

Liên quan đến việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại triển khai rất quyết liệt nhưng kết quả còn hạn chế, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là tâm lý e ngại của chính khách hàng vay vốn.

Chủ tịch Agribank kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét trình Quốc hội chuyển đổi việc hỗ trợ gián tiếp qua lãi suất vay vốn bằng chi trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước hoặc cơ chế giảm thuế cho các đối tượng cần được hỗ trợ.

Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2022, một loạt bài toán khó đặt ra cho ngành ngân hàng như làm thế nào để điều hành chính sách tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống; làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế của ta có độ mở cửa lớn, đồng USD tăng giá mạnh…

Thống đốc cho biết, trong bối cảnh đó ngành ngân hàng nỗ lực và đã có những đóng góp quan trọng trong việc góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (khoảng 8%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; biến động tỷ giá VND khoảng 3,8%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực.

Nhiều ngân hàng kiến nghị tăng vốn và sửa đổi gói hỗ trợ 2% ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Trong kỳ báo cáo tháng 11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ đồng thời đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so cuối năm 2021, tăng 13,96% so cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, kết quả năm 2022 cho thấy sự ứng phó linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến tình hình, cân nhắc thời điểm, liều lượng phù hợp của từng công cụ, giải pháp đã có thể hóa giải các bài toán khó nêu trên.

Năm 2023, Thống đốc đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục