Nhiều nước triển khai thành công Công ước về kiểm soát thuốc lá

Hiện có 180 quốc gia tham gia công ước về kiểm soát thuốc lá, hầu hết các nước tham gia công ước đều đã triển khai thành công nhiều biện pháp chống hút thuốc lá
Nhiều nước triển khai thành công Công ước về kiểm soát thuốc lá ảnh 1Sau 10 năm triển khai FCTC đã góp phần tích cực vào việc giảm tác hại của thuốc lá tại 180 nước trên thế giới. (Nguồn: who.int)

Ngày 26/2, Tiến sĩ Vera Luiza da Costa e Silva, Trưởng Ban Thư ký Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về kiểm soát thuốc lá (WHO FCTC), đã ra thông cáo báo chí nhân kỷ niệm 10 năm công ước này có hiệu lực (27/2/2005), trong đó đánh giá văn kiện này đã được thực hiện có hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Bà V. Silva cho biết hiện đã có 180 quốc gia tham gia công ước mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người này, và hầu hết các nước tham gia công ước đều đã triển khai thành công nhiều biện pháp chống hút thuốc lá.

Theo bà V. Silva và các chuyên gia y tế của WHO, 10 năm qua, kể từ khi WHO FCTC có hiệu lực, thế giới đã được chứng kiến nhiều thay đổi rất có ý nghĩa trong mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người từ tác hại của thuốc lá.

Trưởng Ban Thư ký WHO FCTC cho biết ngày nay, hút thuốc lá đang dần dần không còn là một thói quen của các xã hội nữa. Tuyên truyền và quảng cáo về thuốc lá, và công nghiệp thuốc lá đã bị hạn chế mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, và tại nhiều quốc gia, thuốc lá đã bị cấm sử dụng ở một số nơi nhất định.

Hiện đã có 80% số quốc gia tham gia công ước trên, đưa việc kiểm soát thuốc lá vào hệ thống pháp luật quốc gia. Ngoài ra, trong 10 năm qua, giá thuốc lá trung bình trên toàn thế giới đã tăng 150%, và có tới 85% số bao thuốc lá lưu hành trên thị trường có in những cảnh báo về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người.

Quan chức LHQ nhấn mạnh những biện pháp và việc làm cụ thể như vậy đã góp phần đáng kể vào việc hạn chế sử dụng thuốc lá, và giảm bớt số người có thói quen rất hại cho sức khỏe này. Trong số những nước thành công nhất trong việc giảm bớt số người nghiện thuốc lá, phải kể đến Phần Lan, Ireland, New Zealand và một số quốc đảo ở Thái Bình Dương, nơi số người hút thuốc lá đã giảm tới trên dưới 5%.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Silva cũng cho rằng để thành công hơn nữa, các nước tham gia công ước vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc phải vượt qua những cản trở, thách thức từ ngành công nghiệp thuốc lá.

Nhân dịp này, đại diện của WHO cho biết tổ chức này đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm 30% số người hút thuốc lá thường xuyên trên toàn thế giới, đống thời giảm 25% số người bị tử vong do các bệnh từ thuốc lá mang lại.

Để thực hiện được mục tiêu này, WHO kêu gọi tất cả mọi người, mọi quốc gia cùng tham gia tích cực và có hiệu quả vào việc kiểm soát, ngăn chặn sử dụng thuốc lá trên cơ sở của WHO FCTC, và phải coi đây là công việc mang tính toàn cầu.

Đại diện của WHO cảnh báo nếu cộng đồng quốc tế không có các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả để kiểm soát và ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá, đến năm 2030, số người chết trên toàn thế giới vì các loại bệnh do thuốc lá gây ra, sẽ lên đến 8 triệu người mỗi năm, cao hơn so với con số 6 triệu người bị mất mạng hàng năm vì thuốc lá như hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục