Nhọc nhằn thỏa thuận Brexit: Hạ viện có quay lưng với bà May?

Dường như EU - một bên khác trong các cuộc đàm phán Brexit - sẽ không có thêm những nhượng bộ đối với thỏa thuận "ly hôn" mà liên minh này đã ký với Thủ tướng Anh Theresa May.
Nhọc nhằn thỏa thuận Brexit: Hạ viện có quay lưng với bà May? ảnh 1Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) tại thủ đô London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Tân Hoa xã, Thủ tướng Anh Therasa May đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với sự ủng hộ của 200 nghị sỹ. Mặc dù vậy, cũng có tới 117 nghị sỹ bỏ phiếu chống lại bà, khiến cho "con đường Brexit" (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) của bà chắc chắn sẽ còn gặp rất nhiều chông gai.

Thỏa thuận "ly hôn" Brexit đối mặt với nhiều khó khăn

Quy mô của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà May là dấu hiệu cho thấy thỏa thuận "ly hôn" Brexit của bà sẽ phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Hạ viện khi thỏa thuận này được đưa ra tranh luận và bỏ phiếu, dự kiến diễn ra vào trước trung tuần tháng 1/2019.

Bà May có nghĩa vụ phải đưa thỏa thuận này ra trước Quốc hội để tranh luận và bỏ phiếu, và bà đã tránh được một thất bại nặng nề nhãn tiền liên quan đến thỏa thuận này bằng cách hoãn cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội với lý do bà sẽ tới châu Âu để đàm phán thêm.

Trong tuyên bố khẩn cấp tới Hạ viện, bà May thừa nhận dự thảo thỏa thuận "ly hôn" mà bà đã ký với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng trước phải đối mặt với khả năng bị các thành viên Hạ viện bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra ngày 11/12. Nhìn chung, bà sẽ phải đối mặt với vô số rào cản đáng kể để thỏa thuận này có thể được thông qua.

Hạ viện có thể quay lưng lại với bà May

Ngoài việc không nhận được sự ủng hộ đối với thỏa thuận "ly hôn" Brexit, bà May có thể phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khác - lần này là tại Hạ viện.

Tất cả các đảng đối lập chính đều được cho là sẽ ủng hộ điều này, nhưng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ cần sự ủng hộ của một số nghị sỹ bảo thủ thì mới có thể thành công, và chưa chắc những nghị sỹ này đã muốn đưa lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn vào Phố Downing.

[Tương lai không bằng phẳng của Thủ tướng Anh Theresa May]

Meg Russell, Giáo sư chính trị của trường University College London (UCL), nói với Tân Hoa xã: "Kết quả của một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm không nhất thiết phải là một cuộc tổng tuyển cử. Có 14 ngày để một chính phủ mới được thành lập. Đó có thể là một chính phủ đoàn kết dân tộc."

Một chính phủ đoàn kết dân tộc không phải là chưa từng có tiền lệ, nó đã từng diễn ra thời gian đầu của cuộc Chiến tranh Thế giới II, khi Winston Churchill trở thành thủ tướng năm 1940 thay Neville Chamberlain.

Tim Bale, giáo sư chính trị của trường Đại học Queen Mary London, nói: "Cần nhớ rằng ông Churchill trở thành thủ tướng khi Chamberlain từ chức nhưng vẫn là lãnh đạo của Đảng Bảo thủ."

Các hình thức khác của Brexit hoặc thậm chí là không có Brexit

Có khả năng Brexit sẽ bị từ bỏ, song điều này còn cần phải đưa ra trưng cầu dân ý. Mặc dù có một chiến dịch đang ngày càng lớn yêu cầu bỏ Brexit, song nhìn chung không có đảng chính trị lớn nào ủng hộ yêu cầu này.

Chuyên gia Russel nói: "Sự ủng hộ đối với cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 dường như ngày càng lớn, coi đó như cách để thoát khỏi tình trạng bế tắc. Điều này sẽ mất khoảng 5 tháng và cần một dự luật của Quốc hội."

Dường như EU - một bên khác trong các cuộc đàm phán Brexit - sẽ không có thêm những nhượng bộ đối với thỏa thuận "ly hôn" mà liên minh này đã ký với bà May. Bà May vẫn đang bảo vệ thỏa thuận này, nhưng nhiều khả năng bà khó có thể đạt được một thỏa thuận có lợi hơn cho nước Anh. Cũng có thể các bên sẽ không đạt dược thỏa thuận Brexit, và Anh sẽ rời EU "trắng tay."

Điều này có thể xảy ra vào ngày 29/3/2019 khi Điều 50 Hiệp ước Lisbon hết hạn, hoặc cũng có thể là vào cuối năm 2020, thậm chí là muộn hơn, nếu Anh đề nghị gia hạn cho Điều 50. Điều này sẽ khiến những người ủng hộ Brexit theo đường lối cứng rắn hài lòng, song phần lớn các thành viên Hạ viện sẽ không ủng hộ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục