"Những đứa con..." 30 năm sau "Biệt động Sài Gòn"

Sau 30 năm, khán giả lại nóng lòng chờ đợi và kỳ vọng vào phần hai phim "Biệt động Sài Gòn" đang chuẩn bị bấm máy.
Những ngày này, đoàn làm phim "Con của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn," được xem là phần hai của bộ phim "Biệt động Sài Gòn," đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị để kịp bấm máy vào tháng Năm.

Sau 30 năm, đạo diễn Long Vân sẽ lại ngồi sau máy quay chỉ đạo diễn xuất cho những “chiến sĩ biệt động thời đại mới.” Ông vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc thủa ban đầu khi thực hiện bộ phim có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình.

Những kỳ tích của "Biệt động Sài Gòn"

Có lẽ cho tới tận hôm nay, chưa có bộ phim Việt Nam nào lập được kỳ tích về khán giả như "Biệt động Sài Gòn."

Ngay khi công chiếu vào năm 1980, "Biệt động Sài Gòn" đã tạo nên “cơn sốt” trên cả nước.

Ước tính có khoảng 10 triệu khán giả mua vé để xem bằng được bộ phim màu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam này, thậm chí, có nơi khán giả chen nhau mua vé làm đổ tường, gây chết người!

Cho tới hôm nay, có lẽ cũng chưa bộ phim Việt Nam nào để lại nhiều chuyện “phía sau màn ảnh” đến như vậy, với không ít chuyện…li kỳ liên quan tới dàn diễn viên (mà sau này từ bệ phóng "Biệt động Sài Gòn" họ đều trở thành ngôi sao của điện ảnh Việt Nam) cho tới những li kỳ trên trường quay v.v...

Thế nhưng, rất ít người biết được ý tưởng làm phim đến với đạo diễn Long Vân một cách rất tình cờ.

32 năm trước, khi đang thực hiện bộ phim "Cho cả ngày mai," đạo diễn Long Vân gặp Thiếu tướng Trần Hải Phụng (từng là Tư lệnh Biệt động Sài Gòn - Bộ Tư lệnh Biệt động thành).

Được biết Long Vân là đạo diễn phim "Nơi gặp của tình yêu" mà ông rất thích, Thiếu tướng gợi ý: “Hay là ông giúp chúng tôi làm phim về các chiến sĩ biệt động thành. Chúng tôi sẽ hết lòng hỗ trợ kể cả về kinh phí.”

Nhận thấy đây là một ý hay nên đạo diễn Long Vân đồng ý ngay và nhờ Thiếu tướng Hải Phụng giúp gặp những chiến sĩ biệt động bằng xương bằng thịt đã đánh những trận ác liệt ở Sài Gòn.

Từ đó, những câu chuyện từ người thật việc thật như Tư Chu (nhân vật Tư Chung trên phim), Bảy Bê (Sáu Tâm), Năm Nè (K9)... đã giúp đạo diễn Long Vân mường tượng rõ hơn về những “chiến sĩ biệt động” của mình trên phim.

Ông nhanh chóng bàn với lãnh đạo Hãng phim truyện Việt Nam và cùng nhà biên kịch Lê Phương bắt tay vào viết kịch bản.

"Nếu không có cốt lõi sự thật là đời sống và những chiến công của chiến sĩ biệt động, cùng sự tình cờ may mắn nhận được lời gợi ý của Thiếu tướng Hải Phụng thì đã không có "Biệt động Sài Gòn”," đạo diễn Long Vân khẳng định.

Tên ban đầu của bộ phim là "Những thiên thần ra trận" nhưng một lần, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh,  lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy, tâm sự: “Chiến sĩ biệt động Sài Gòn của chúng tôi hay hơn, thật hơn những thiên thần nhiều. Chiến công của họ thiên thần không làm được đâu. Sao không chỉ là "Biệt động Sài Gòn" thôi?”

Đúng là cái tên "Những thiên thần ra trận" nghe nhiều phần hoa mỹ, bởi vậy làm xong tập 1, đạo diễn Long Vân quyết định chọn "Biệt động Sài Gòn" vì “không có gì đúng hơn sự thật.”

"Biệt động Sài Gòn" gồm 4 tập được làm ròng rã trong 4 năm và đoàn phim, đa phần từ miền Bắc, cũng phải “đóng quân” tại Sài Gòn suốt thời gian này.

“Đóng quân” được hiểu đúng nghĩa đen của nó: hết giờ quay, các diễn viên phải về “đại bản doanh” tại đường Đồn Đất (nay là đường Thái Văn Lung, quận 1) chứ không được la cà đi đâu, y như kỷ luật quân đội.

Thời gian làm phim dài nên trong đoàn làm phim có cả nhà trẻ để giữ con cho các thành viên trong đoàn.

Đặc biệt, có trường hợp cô nhân viên phụ trách hóa trang trong bốn năm đã kịp lấy chồng và sinh con ngay trên đất Sài Gòn.

Đạo diễn Long Vân cũng chuyển trường cho cô con gái 13 tuổi của mình (Vân Dung - người đóng vai em bé bán báo trong phim) vào Sài Gòn trong bốn năm vừa học vừa đóng phim...

Và kỳ vọng với "Con của chiến sĩ biệt động Sài Gòn"

30 năm sau, đạo diễn Long Vân mới bắt tay vào thực hiện phần hai của "Biệt động Sài Gòn" nói về thế hệ con cháu của những chiến sĩ biệt động năm xưa, hiện là những chiến sĩ công an nhân dân trên mặt trận chống tội phạm giữ an ninh cho đất nước với tên gọi "Con của chiến sĩ biệt động Sài Gòn."

“Bộ phim chủ yếu thể hiện sinh động hình ảnh của lớp trẻ sau hơn 30 năm giải phóng đất nước. Họ được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong hòa bình và phải sống ra sao để xứng đáng với cha anh họ, thừa kế được bản lĩnh, tinh thần của người đi trước,” đạo diễn Long Vân cho biết.

Để chuẩn bị, đoàn làm phim đã gặp lại bà Trương Mỹ Hoa và Trương Mỹ Lệ, được hai cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn này động viên rất lớn về mặt tinh thần.

Đạo diễn Long Vân cũng đã tìm lại đại tá Tư Chu (nguyên Phó Tư lệnh biệt động Sài Gòn, nguyên mẫu Tư Chung - “trùm biệt động” hào hoa và bản lĩnh ở "Biệt động Sài Gòn"), để báo tin mình sẽ làm "Biệt động Sài Gòn" phần hai.

“Ông Tư Chu đã yếu lắm rồi, không nói được nữa. Đã 30 năm rồi không ngờ ông ấy vẫn còn nhớ tôi. Nghe có đạo diễn Long Vân đến gặp là ông ấy đồng ý gặp ngay. Khi tôi nói: Tôi vào đây để làm phim về con của biệt động Sài Gòn, ông ấy bèn cười rồi giơ ngón tay cái lên tỏ ý thích thú. Tôi vô cùng xúc động, chiến sĩ biệt động lừng lẫy một thời, người đã tổ chức nhiều trận đánh lớn, là nguyên mẫu nhân vật Tư Chung của tôi, đã sắp đi xa. Tôi nhất định phải làm bộ phim này thật tốt,” đạo diễn Long Vân xúc động nói.

Tuy nhiên đạo diễn "Biệt động Sài Gòn" cũng bộc bạch: “Ngày xưa 4 tập phim tôi làm trong 4 năm. Bây giờ trong nửa năm phải làm 36 tập. Ngày xưa diễn viên giỏi nghề, hết mình cho vai diễn. Ngày nay có nhiều phim, diễn viên có nhiều sự lựa chọn, dễ bị phân tâm. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể. Nếu "Biệt động Sài Gòn" được 9 thì “đời con” cũng đạt cỡ 6-7. Phim thời kinh tế thị trường mà, cũng mong quý khán giả thông cảm!”./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục