Những hàm ý từ việc Mỹ trừng phạt ứng dụng TikTok của Trung Quốc

Theo báo Liên hợp buổi sáng phát hành ở Malaysia số ra mới đây, việc Mỹ trừng phạt TikTok không phải là một sự kiện cá biệt, mà chứa đựng nhiều hàm ý quan trọng.
Những hàm ý từ việc Mỹ trừng phạt ứng dụng TikTok của Trung Quốc ảnh 1Văn phòng TikTok ở thành phố Culver, Los Angeles, Mỹ, ngày 21/8/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Ứng dụng TikTok của công ty công nghệ ByteDance (Trung Quốc) thành công là do nắm bắt được tâm lý của mỗi cá nhân: Vừa muốn trở thành “diễn viên” vừa muốn làm “khán giả.”

Theo báo Liên hợp buổi sáng phát hành ở Malaysia số ra mới đây, việc Mỹ trừng phạt TikTok không phải là một sự kiện cá biệt, mà chứa đựng nhiều hàm ý quan trọng. 

Thứ nhất, việc ông Trump tấn công TikTok có thể kết thúc "thời kỳ cơ hội chiến lược" đối với đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ bước vào giai đoạn tăng trưởng từ năm 2006, đạt đỉnh vào năm 2016 với giá trị lên tới 45,63 tỷ USD, sau đó bắt đầu giảm xuống (năm 2017 còn 29 tỷ USD, năm 2018 là 4,8 tỷ USD và năm 2019 là 5 tỷ USD).

Trong thế giới chiến lược, sự phát triển kéo dài hơn mười năm thường được định nghĩa là "thời kỳ cơ hội chiến lược." Không giống như các công ty công nghệ như Huawei và ZTE, ByteDance sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và thuật toán tấn công vào ngành giải trí với quy mô đầu tư rất lớn.

Xét về thị phần và độ nhận diện thương hiệu, TikTok đã làm được điều chưa từng có trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài trực tiếp tại Mỹ. 

Sau khi nhậm chức, ông Trump tìm cách đảo ngược tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc, hạn chế đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc, bỏ qua tác động tích cực của đầu tư Trung Quốc trong việc giảm thâm hụt thương mại.

Ngày 13/8/2018, ông Trump ký ban hành Đạo luật Hiện đại hóa Rà soát Rủi ro Đầu tư Nước ngoài (FIRRMA), bù đắp và sửa chữa các quy định và biện pháp trước đây về an ninh đầu tư nước ngoài, đặc biệt nhằm vào đầu tư của Trung Quốc tới Mỹ.

Với FIRRMA, Mỹ có thể tiến hành tấn công phòng ngừa đối với tất cả các khoản đầu tư có thể đe dọa đến ngành công nghiệp và an ninh quốc gia của Mỹ. Những gì mà TikTok phải đối mặt hoàn toàn xuất phát từ FIRRMA. 

Có thể coi việc tấn công ZTE và Huawei chỉ là một “phép thử nhỏ” để Mỹ dần dần hiểu được phong cách và giới hạn trong đàm phán kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc. Cho nên, ZTE và Huawei có thể tiếp tục tồn tại trong vòng kiềm tỏa. Nhưng đối với TikTok, đó là sự bài trừ và gây sức ép cực hạn. 

Trừng phạt TikTok cho thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với đầu tư của Trung Quốc đã mở rộng từ lĩnh vực chiến lược sang lĩnh vực dân sự, về cơ bản đã kết thúc giai đoạn cơ hội chiến lược cho đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ. 

[Tương lai nào cho TikTok sau khi 'cập bến xứ người'?]

Thứ hai, lệnh trừng phạt đối với TikTok chỉ rõ bất kỳ khoản đầu tư nào của Trung Quốc vào Mỹ đều có thể gặp rủi ro chính trị. Các công ty đa quốc gia của Trung Quốc có thể sử dụng lợi thế về vốn và thị trường để định hình mình là tài sản chất lượng cao, sản xuất các sản phẩm hạng nhất và giành lấy sự chú ý toàn cầu trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, những gì các công ty Trung Quốc có được trong những lĩnh vực nhất định với một số lợi thế. Mặc dù một số công ty đa quốc gia của Trung Quốc đã xây dựng sự phụ thuộc sâu sắc vào lợi ích của Mỹ, nhưng khi đối mặt với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, tính hợp pháp của các khoản đầu tư này thường bị nghi ngờ. 

Những hàm ý từ việc Mỹ trừng phạt ứng dụng TikTok của Trung Quốc ảnh 2Biểu tượng của TikTok trên màn hình điện thoại tại Arlington, Virginia, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thứ ba, Chính phủ Mỹ và một số tập đoàn tài chính lớn đã hình thành một cộng đồng chính trị và kinh tế chặt chẽ.

Khi liên minh này đối mặt với thách thức từ các tập đoàn đa quốc gia của các quốc gia cạnh tranh, chính phủ thường không ngần ngại sử dụng sức mạnh hành chính và an ninh quốc gia để bảo vệ sự độc quyền và vị trí độc tôn của các công ty đa quốc gia nước mình.

Khi các công ty đa quốc gia của Trung Quốc ngày càng trở nên lớn mạnh hơn tại Mỹ hoặc có xu hướng “độc chiếm thị trường” trên thế giới, Chính phủ Mỹ sẽ can thiệp. Có thể nói, việc hình thành các lợi thế và vị thế của các công ty đa quốc gia không chỉ đòi hỏi nỗ lực của chính họ để phát triển và sở hữu năng lực cạnh tranh cốt lõi, mà còn cần sự hỗ trợ của chính phủ nước họ.

Về cơ bản, hợp tác và cạnh tranh trong ngành nghề toàn cầu với đại diện là các tập đoàn đa quốc gia là sự đối đầu và hợp tác mang tính hệ thống, trong đó có cả sự can dự của chính phủ. 

Thứ tư, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ đã trải qua nửa thế kỷ, nhưng các công ty Trung Quốc vẫn còn “non kinh nghiệm” trong việc xử lý các mối quan hệ với Chính phủ Mỹ và phòng ngừa rủi ro. Thậm chí, họ không nhìn thấy rủi ro, cho rằng xây dựng sự phụ thuộc về kinh tế sẽ mang tới sự an toàn về chính trị. 

TikTok và các nhà đầu tư (vốn/cổ đông của các nước phương Tây) đã thất bại trong việc xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh”, mà chỉ xây dựng một “cộng đồng vì lợi nhuận.”

Dưới áp lực lớn, những nhà đầu tư này có thể trở thành “cọng rơm cuối cùng để nhấn chìm con lạc đà” TikTok. Ban quản lý của TikTok nhìn thấy khía cạnh hợp tác của quan hệ Mỹ-Trung, nhưng không nhìn thấy mặt "mất lòng tin" và "dễ bị tổn thương."

Bên cạnh đó, trước sức ép của Chính phủ Mỹ, ByteDance đã không tổ chức được lực lượng để đối phó chủ động và hiệu quả, vội vàng đối phó một cách bị động. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nhận thức được sự thiếu chuẩn bị và sự mong manh rõ ràng của các công ty Trung Quốc, cũng như những hạn chế trong khả năng đàm phán chiến lược.

Trong cuộc chơi, các công ty Trung Quốc có vẻ rất lớn, nhưng họ vẫn ở vị thế không cân bằng và bất đối xứng so với quyền lực nhà nước.

Có thể nói, mặc dù TikTok có những đổi mới trong mô hình kinh doanh và có ưu thế vượt trội về khả năng sinh lời, nhưng thực tế là “to lớn nhưng không mạnh mẽ” và “giàu có nhưng kém uy.”

Thứ năm, thị trường đầu tư của Mỹ đang cạnh tranh khốc liệt và Chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện chủ nghĩa trọng thương và công khai tìm kiếm lợi nhuận. Lệnh trừng phạt TikTok đã thể hiện sinh động chủ nghĩa trọng thương.

Nói một cách khách quan, TikTok đã khám phá ra một mô hình kinh doanh mới trong thị trường giải trí cạnh tranh khốc liệt. Việc Chính quyền của ông Trump sử dụng các biện pháp hành chính để loại trừ TikTok sẽ giúp phát triển các ngành công nghiệp tương tự ở Mỹ. Việc mua lại TikTok, một tài sản chất lượng cao cho thấy Chính quyền Mỹ theo đuổi lợi thế kinh doanh và sức cạnh tranh. 

Thứ sáu, các biện pháp trừng phạt của Chính quyền Tổng thống Trump đối với TikTok sẽ càng ảnh hưởng đến sự phục hồi đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, làm gia tăng tính bất định trong đầu tư của các công ty Trung Quốc và đe dọa hơn nữa sự ổn định của đầu tư chứng khoán Mỹ, đồng thời làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Lệnh trừng phạt TikTok của Mỹ được thực hiện trên cơ sở bảo vệ "an ninh mạng" và "an ninh quốc gia" kết hợp với nhu cầu lợi ích chính trị thực tế. Trong quá khứ, Mỹ đã lấy cớ "vi phạm quyền sở hữu trí tuệ" và "vi phạm lệnh cấm vận thương mại" để xử lý vấn đề ZTE và Huawei.

Ngoài ra còn có một thực tế không thể tránh khỏi là Mỹ còn có "quyền bá chủ của đồng đô la" và "cánh tay nối dài" dựa trên thực lực của Mỹ. Hệ thống an ninh quốc gia của Mỹ đang trở nên phức tạp và nhạy cảm hơn, đồng thời các luật hay chính sách liên quan ngày càng tinh vi và nghiêm ngặt hơn. Các công ty đa quốc gia của Trung Quốc không thể không thận trọng. 

Thứ bảy, các biện pháp trừng phạt đối với TikTok cũng phục vụ nhu cầu của cuộc tổng tuyển cử. Chính quyền của ông Trump lo lắng rằng TikTok đã bị các đối thủ lợi dụng để trở thành công cụ vận động chính trị.

Cử tri trẻ là lực lượng quan trọng của đảng Dân chủ và nhiều cử tri trẻ trên khắp nước Mỹ là người sử dụng trung thành của TikTok. Thất sách trong đối phó với đại dịch COVID-19 của Chính quyền Tổng thống Trump đã dẫn đến tình hình kinh tế đảo ngược và việc làm của những người trẻ tuổi trở nên tồi tệ hơn.

Dưới áp lực sinh tồn, những người trẻ tuổi phải tìm kiếm một số kênh nhất định để biểu đạt thái độ. Trong khi đó, lực lượng ủng hộ chính của ông Trump không nằm ở những người trẻ tuổi mà nằm ở những người sở hữu vốn tài chính và tầng lớp lao động ở các bang thuộc “vành đai gỉ sét.” 

Ban đầu, lo ngại chính của ông Trump đến từ các cuộc tấn công mạng từ các quốc gia thù địch như Nga và Triều Tiên, mà không tính đến yếu tố không xác định về khả năng huy động sự tham chính của giới trẻ thông qua TikTok.

Quả thực, TikTok bề ngoài là một ứng dụng mang tính thương mại thuần túy, nhưng đằng sau đó là hàng chục triệu thanh niên có quyền bỏ phiếu. Cho nên, so với khả năng TikTok làm lộ lọt thông tin và dữ liệu, điều làm ông Trump lo lắng hơn là TikTok bị đối thủ chính trị lợi dụng để tiến hành động viên chính trị hình thành ưu thế tranh cử./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục