Những tranh cãi về việc Hàn Quốc chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ

Các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng Seoul đã “lầm tưởng” về nghĩa vụ phải chia sẻ gánh nặng tài chính cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, điều đó không công bằng với chính phủ và người dân nước này.
Binh sỹ thuộc Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, ngày 29/12/2020. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Binh sỹ thuộc Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, ngày 29/12/2020. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trái ngược với sự hân hoan của Bộ Ngoại giao và giới truyền thông Hàn Quốc những ngày gần đây về việc Hàn-Mỹ tuyên bố đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về vấn đề chia sẻ chi phí quân sự cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK), nhật báo tiếng Anh của Hàn Quốc Hankyoreh đã đăng các bài phân tích của một số chuyên gia nước này cho rằng Hàn Quốc đã “lầm tưởng” về nghĩa vụ phải chia sẻ gánh nặng tài chính cho USFK và điều đó là không công bằng với chính phủ và người dân nước này.

Hàn Quốc không có nghĩa vụ phải chia sẻ gánh nặng chi phí với Mỹ

Theo thỏa thuận mới, Hàn Quốc sẽ đóng góp 1,18 nghìn tỷ won (1,04 tỷ USD) cho USFK trong năm 2021, và khoản đóng góp này sẽ tăng đều đặn trong 4 năm tới, tỉ lệ thuận với mức tăng chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Seoul đã “bảo đảm nguyên tắc chia sẻ gánh nặng với Washington một cách hợp lý và công bằng.”

Mọi người thường lập luận theo hướng cho rằng sự đóng góp của Hàn Quốc là điều đương nhiên và chỉ quan tâm đến số tiền đóng góp là bao nhiêu mà quên mất bản chất của vấn đề là Hàn Quốc không có nghĩa vụ phải đóng góp chi phí cho USFK.

Trong cuốn sách có tựa đề “Hiểu đúng về đóng góp chia sẻ chi phí quân sự dưới thời Trump,” tác giả Park Gi-hak viết: “Hãy nhìn việc Mỹ sử dụng các biện pháp ‘đặc biệt’ để buộc Hàn Quốc phải ‘gánh’ các khoản chi phí mà Mỹ đã hứa sẽ trang trải, thuật ngữ ‘chia sẻ gánh nặng quốc phòng’ đã che giấu sự bất bình đẳng trong liên minh Hàn-Mỹ.”

Tình trạng pháp lý của USFK được nêu chi tiết trong Thỏa thuận tình trạng các lực lượng vũ trang (SOFA) giữa Mỹ và Hàn Quốc được ký kết năm 1966.

Điều 5 của SOFA mô tả rõ ràng cách thức chia sẻ chi phí tài chính đối với USFK, theo đó Hàn Quốc phải cung cấp miễn phí đất đai và cơ sở vật chất cho USFK, Mỹ có nghĩa vụ đài thọ mọi chi phí liên quan đến hoạt động và duy trì USFK.

Theo SOFA, Mỹ đài thọ toàn bộ chi phí đóng quân trên bán đảo Triều Tiên cho đến năm 1990.

Mỹ đã ký kết thỏa thuận tương tự như vậy không chỉ với Hàn Quốc mà với tất cả các quốc gia khác có quân đội Mỹ đóng quân, bao gồm Nhật Bản và châu Âu.

Trong mọi trường hợp, Mỹ có trách nhiệm trang trải chi phí duy trì lực lượng Mỹ đồn trú tại các quốc gia đó. Theo thông lệ quốc tế, các quốc gia đóng quân trên lãnh thổ nước ngoài phải tự trang trải chi phí cho chính quân đội của mình.

Cuối thập niên 1980, Mỹ bắt đầu yêu cầu Hàn Quốc chia sẻ chi phí đóng quân cho USFK.

Nguyên nhân là sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Mỹ gặp khó khăn về kinh tế do thâm hụt thương mại và tài khóa.

Ngoài ra, công chúng Mỹ cho rằng người Hàn Quốc nên tự chi trả cho an ninh của nước mình khi mức sống của họ đã được cải thiện. Tuy nhiên, yêu cầu Hàn Quốc chia sẻ chi phí cho sự hiện diện của quân đội Mỹ mâu thuẫn với Điều 5 của SOFA, vốn quy định rằng Mỹ phải chịu toàn bộ chi phí.

Để giải quyết vấn đề này, hai nước đã đưa ra Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA).

Thuật ngữ “đặc biệt” xuất hiện trong tiêu đề ám chỉ các biện pháp đặc biệt tạm thời đình chỉ hiệu lực của Điều 5/SOFA. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia duy nhất chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ thông qua một thỏa thuận như vậy.

SMA là một thỏa thuận có thời hạn, được gia hạn nhiều lần, tạm thời hủy bỏ việc áp dụng các điều khoản của SOFA.

Việc gia hạn đã kéo dài 30 năm nay, từ SMA đầu tiên vào năm 1991 cho đến SMA thứ 11 trong năm 2021.

Một thỏa thuận tạm thời cuối cùng lại được xem như một thỏa thuận vĩnh viễn. Điều này củng cố sự hiểu lầm “tai hại” rằng Hàn Quốc có nghĩa vụ chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ.

Những tranh cãi về việc Hàn Quốc chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ ảnh 1Binh sỹ thuộc Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) làm nhiệm vụ tại căn cứ quân sự Mỹ ở Yongsan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chia sẻ chi phí quân sự bề ngoài được cho là sẽ tạo điều kiện để Mỹ triển khai quân đội ổn định trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Mỹ sử dụng khoản đóng góp tài chính của Hàn Quốc để duy trì các máy bay được bố trí bên ngoài bán đảo Triều Tiên, cụ thể là ở Nhật Bản.

Tổng cộng, Mỹ đã chi 108,8 tỷ won (96,18 triệu USD) cho việc này từ năm 2014 đến năm 2019, tương đương khoảng 18,1 tỷ won (16,01 triệu USD) mỗi năm.

[Mỹ-Hàn Quốc đồng thuận về thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng mới]

Lập luận của Mỹ là thiếu thuyết phục khi diễn giải rằng việc duy trì lực lượng máy bay này là để bảo vệ bán đảo Triều Tiên trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Việc Mỹ tiếp tục chi ngân sách của Hàn Quốc cho lực lượng nằm ngoài bán đảo Triều Tiên sẽ là thực tế không biết khi nào mới có hồi kết.

Thỏa thuận không công bằng

Nếu xem xét kỹ thỏa thuận có thể thấy tổng số tiền đóng góp của Hàn Quốc là quá cao và các tiêu chí quy định tỷ lệ tăng hàng năm là có lợi cho Mỹ.

Năm 2021, số tiền Hàn Quốc phải chi là 1,18 nghìn tỷ won (1,04 tỷ USD), tăng hơn 13,9% so với 1,04 nghìn tỷ won (913,3 triệu USD) trong năm 2019.

Bốn năm tiếp theo, số tiền này sẽ tăng lên tương ứng với mức tăng ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc trong năm trước đó. Theo đó, khoản tiền Hàn Quốc dự kiến phải đóng góp sẽ lên tới 1,5 nghìn tỷ won (1,32 tỷ USD) vào năm 2025, tăng 50% so với năm 2020.

Con số này tương đương với khoản đóng góp trị giá 1,48 nghìn tỷ won mà Trump yêu cầu Seoul vào năm 2019.

Một mặt, chính quyền Biden nhấn mạnh vai trò của các đồng minh, mặt khác lại nhân cơ hội để làm lợi cho Mỹ từ số tiền của Hàn Quốc.

Không giống như trước đây, tốc độ gia tăng đóng góp chia sẻ gánh nặng quân sự của Seoul hiện được gắn với tốc độ tăng ngân sách quốc phòng hàng năm.

Theo kế hoạch quốc phòng trung hạn (giai đoạn 2021-2025) được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố năm 2020, chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng trung bình hàng năm là 6,1%.

Những năm gần đây, chi tiêu quốc phòng tăng 7% vào năm 2018, 8,2% vào năm 2019 và 7,4% vào năm 2020. Như vậy, mức tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm sẽ trong khoảng 6-7% trong 4 năm tới.

Trước đây, mức tăng đóng góp chia sẻ chi phí quân sự của Hàn Quốc được gắn với tỷ lệ lạm phát từ SMA thứ 7 (2007) đến SMA thứ 9 (2014-2018).

Tỷ lệ lạm phát ở Hàn Quốc trong những năm qua thấp hơn nhiều so với tốc độ gia tăng ngân sách quốc phòng: 1,5% vào năm 2018, 0,4% vào năm 2019 và 0,5% vào năm 2020.

Các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí phải là cơ hội để khôi phục bản chất cùng có lợi của liên minh Hàn-Mỹ. Do đó, Quốc hội Hàn Quốc cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm xem xét và giám sát ngân sách trước khi phê chuẩn hiệp định lần này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục