Núi lửa ở Indonesia 'thức giấc,' gây ra hàng trăm vụ động đất nhỏ

Núi lửa Merapi, nằm gần Yogyakarta - thủ phủ văn hóa trên đảo Java của Indonesia, đã liên tục phun trào nham thạch gần 20 lần trong suốt hai ngày qua và gây ra hàng trăm động đất nhỏ.
Dung nham phun trào từ miệng núi lửa Merapi ở Yogyakarta, Indonesia, ngày 19/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Dung nham phun trào từ miệng núi lửa Merapi ở Yogyakarta, Indonesia, ngày 19/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Merapi, một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động mạnh nhất thế giới, đã "thức giấc" trong ngày 19/2 khi phun trào nham thạch đỏ rực kèm theo các động đất nhỏ.

Theo báo cáo của Cơ quan Địa chất Indonesia (GA), núi lửa Merapi, nằm gần Yogyakarta - thủ phủ văn hóa trên đảo Java của Indonesia, đã liên tục phun trào nham thạch gần hai chục lần trong suốt hai ngày qua và gây ra hàng trăm động đất nhỏ, ảnh hưởng tới cộng đồng cư dân tại khu vực này.

Chỉ tính riêng trong sáng 19/2, núi lửa đã phun dung nham 7 lần. Dòng dung nham di chuyển khoảng 700m về phía Tây Nam. Tuy nhiên, chính quyền không thay đổi cảnh báo nguy hiểm cấp hai, được ban hành tháng 11 năm ngoái.

[Indonesia: Núi lửa Merapi phun trào, cảnh báo hàng không mức cao nhất]

Người dân sinh sống gần đó được yêu cầu tránh xa khu vực núi lửa trong bán kính 5 km và được cảnh báo về dung nham núi lửa cũng như tro bụi lơ lửng không khí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tháng trước, ngọn núi đã phun ra những đám tro bụi khổng lồ tràn xuống hai bên sườn núi.

Núi lửa Merapi cao 2.968m, cũng là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở quốc gia châu Á này.

Vụ phun trào lớn gần nhất của Merapi diễn ra năm 2010 đã khiến hơn 300 người thiệt mạng và buộc 280.000 người phải sơ tán. Đây là lần phun trào mạnh nhất kể từ năm 1930, khi dung nham và tro bụi núi lửa cướp đi sinh mạng của 1.300 người.

Quốc đảo Indonesia với hơn 250 triệu dân nằm trong "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, một khu vực có nhiều hoạt động địa chấn với 127 ngọn núi lửa đang hoạt động.

Nước này thường xuyên hứng chịu nhiều trận động đất, trong đó trận động đất có độ lớn 9,1 hồi tháng 12/2004 đã làm rung chuyển bờ biển Sumatra, gây ra sóng thần trên khắp Ấn Độ Dương và làm 220.000 người thiệt mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục