Pfizer mở rộng danh mục thuốc và vaccine ưu đãi cho nước nghèo

Pfizer đã bán 23 loại thuốc mà hãng sở hữu bằng sáng chế cho các nước nghèo với giá phi lợi nhuận và danh sách này hiện sẽ được mở rộng ra bao gồm cả những thuốc không có bằng sáng chế.
Pfizer mở rộng danh mục thuốc và vaccine ưu đãi cho nước nghèo ảnh 1Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/1, hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ thông báo sẽ mở rộng danh sách các loại thuốc và vaccine bán cho các nước nghèo nhất thế giới với mức giá phi lợi nhuận.

Trong thông báo tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), Pfizer nêu rõ sẽ bắt đầu bán các sản phẩm mà hãng có quyền phân phối trên toàn cầu cho 45 quốc gia thu nhập thấp với mức giá bằng chi phí sản xuất.

Vào tháng 5/2022, Pfizer đã bắt đầu bán 23 loại thuốc mà hãng sở hữu bằng sáng chế cho các nước nghèo với giá phi lợi nhuận. Danh sách này hiện sẽ được mở rộng ra bao gồm cả những thuốc không có bằng sáng chế, nâng tổng số sản phẩm trong danh mục lên khoảng 500.

Động thái trên là một phần trong sáng kiến "Hiệp ước vì một thế giới khỏe mạnh hơn" được công bố tại Davos vào năm ngoái.

Theo Pfizer, danh sách trên sẽ gồm các thuốc và vaccine dùng để chữa trị hoặc ngăn ngừa những mối đe dọa bệnh tật lớn nhất mà các nước thu nhập thấp đang đối mặt.

Con số này bao gồm cả những thuốc hóa trị và thuốc uống điều trị ung thư có khả năng chữa trị cho gần 1 triệu ca ung thư mới/năm tại những nước nằm trong hiệp ước.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Pfizer, Albert Bourla nêu rõ hãng triển khai hiệp ước trên nhằm giảm bớt tình trạng bất bình đẳng y tế đang tồn tại trên thế giới.

[Lô Paxlovid điều trị COVID-19 đầu tiên được vận chuyển đến châu Phi]

Ông bày tỏ hy vọng rằng động thái mới nhất sẽ giúp Pfizer đạt được và thậm chí hiện thực hóa tầm nhìn về một thế giới nơi tất cả mọi người được tiếp cận thuốc men và vaccine để có thể sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Việc tăng các loại thuốc được bán với giá phải chăng sẽ giúp giải quyết vấn đề bệnh tật và đáp ứng nhu cầu chữa trị của 1,2 tỷ người sinh sống tại 45 quốc gia thu nhập thấp.

Theo thống kê, các nước đang phát triển chiếm 70% số ca mắc bệnh trên toàn thế giới, nhưng lại chỉ nhận được 15% ngân sách đầu tư trong lĩnh vực y tế toàn cầu. Điều này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Tại khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi, cứ 13 trẻ thì có một trẻ tử vong trước 5 tuổi so với tỷ lệ 1/199 trẻ tại các nước thu nhập cao. Tỷ lệ tử vong liên quan ung thư cũng cao hơn nhiều tại các nước thu nhập thấp và trung bình. Đây là hệ quả của việc hạn chế tiếp cận những loại thuốc mới nhất.

Những loại thuốc và vaccine quan trọng thường cần 4-7 năm để tới các nước nghèo, trong khi vấn đề chuỗi cung ứng và hệ thống y tế với nguồn lực kém gây khó khăn cho các bệnh nhân trong việc tiếp cận một khi sản phẩm được phê duyệt.

Năm ngoái, Pfizer cũng đã đồng ý cung cấp hàng triệu liều thuốc Paxlovid điều trị COVID-19 cho các nước thu nhập thấp và trung bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục