Pháp phát hành trái phiếu xanh huy động vốn cho dự án môi trường

Pháp đang nâng cao các mục tiêu khai thác năng lượng tái tạo và sẽ trở thành quốc gia đầu tiên phát hành “trái phiếu xanh” nhằm huy động vốn cho các dự án cải thiện môi trường.
Pháp phát hành trái phiếu xanh huy động vốn cho dự án môi trường ảnh 1Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal (giữa) đặt những tấm pin năng lượng Mặt Trời trong dự án xây dựng ''con đường năng lượng 1000km'' trong năm năm ở Marseille, Pháp, ngày 21/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Pháp ngày 25/4 tuyên bố nước này đang nâng cao các mục tiêu khai thác năng lượng tái tạo và sẽ trở thành quốc gia đầu tiên phát hành “trái phiếu xanh” nhằm huy động vốn cho các dự án cải thiện môi trường.

Phát biểu tại một hội thảo về môi trường ở Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh điều đầu tiên cần làm là vào năm 2017, Chính phủ Pháp sẽ đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Fessenheim hoạt động gần 40 năm qua gần khu vực biên giới với Đức và Thụy Sĩ.

Nhà lãnh đạo Pháp cũng tuyên bố nước này sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành “trái phiếu xanh” - một hình thức trái phiếu mà đến nay chỉ có một số công ty và một vài thể chế tài chính phát hành, như Ngân hàng Thế giới.

Bên cạnh đó, Tổng thống Hollande còn nhấn mạnh rằng để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng năng lượng hạt nhân trong sản xuất điện năng từ 75% xuống còn 50% vào năm 2050, cần phải tăng cường khai thác tích cực hơn các nguồn năng lượng tái tạo, theo đúng mục tiêu nêu trong luật chuyển đổi năng lượng của Pháp được thông qua hồi tháng Tám năm ngoái.

Cũng tại hội thảo nói trên, Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal cho biết ngày 27/4, Pháp sẽ công bố lộ trình chuyển đổi năng lượng của nước này từ nay đến năm 2023 với các mục tiêu cao hơn so với kế hoạch đề ra ban đầu.

Bộ trưởng Royal cũng tiết lộ nước này sẽ nâng gấp đôi số lượng trạm phong điện; tăng gấp ba lần sản lượng điện thu được từ năng lượng Mặt Trời; trong khi các nguồn năng lượng tái tạo được sử dụng để tạo ra nhiệt năng được dự báo cũng sẽ tăng khoảng hơn 50%.

Trước đó, hồi năm 2015, các trạm phong điện đã cung cấp khoảng 4,5% tổng sản lượng điện trên toàn nước Pháp, trong khi năng lượng Mặt Trời vẫn ở mức khiêm tốn gần 2% trong tổng số gần 19% các dạng năng lượng tái tạo được sử dụng để tạo ra điện năng.

Hội thảo môi trường lần này tại Paris diễn ra chỉ vài ngày sau khi hơn 170 quốc gia trên thế giới ký Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu tại New York (Mỹ). Sự kiện này cũng là dịp để Tổng thống Hollande làm nổi bật vai trò đi đầu của Paris trong việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục