Phó Chủ tịch chính sách công toàn cầu của Twitter rời nhiệm sở

Cùng với sự ra đi của Phó Chủ tịch chính sách công toàn cầu của Twitter, bà Sinead McSweeney, 50% trong số 30 thành viên còn lại của bộ phận chính sách công cũng đã bị sa thải.
Phó Chủ tịch chính sách công toàn cầu của Twitter rời nhiệm sở ảnh 1Bà Sinead McSweeney từng là Phó chủ tịch toàn cầu về chính sách công của Twitter (Nguồn: RTE)

Ngày 23/12, hãng Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết Phó Chủ tịch chính sách công toàn cầu của Twitter, bà Sinead McSweeney, đã ra đi trong bối cảnh hãng tiếp tục sa thải nhân sự trong bộ phận này và Giám đốc điều hành (CEO) Elon Musk đang nỗ lực cắt giảm chi phí.

Bộ phận chính sách công chịu trách nhiệm trao đổi với các nghị sỹ và tổ chức dân sự về các vấn đề như quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư và an toàn trực tuyến.

Đơn vị này phụ trách giải quyết các yêu cầu của chính phủ và các nhóm dân sự nhằm gỡ bỏ những nội dung sai lệch và đề ra những quy định bảo vệ những người dùng dễ bị tổn thương.

Một nguồn tin cho hay 50% trong số 30 thành viên còn lại của bộ phận chính sách công đã bị sa thải. Do số nhân viên giảm, xu hướng ùn đọng công việc có nguy cơ tăng lên và một số chính sách phát triển có thể bị bỏ qua.

Theo nguồn tin, Giám đốc cấp cao về chiến lược chính sách công toàn cầu Nick Pickles đã tiếp quản vị trí của bà McSweeney.

Hiện, Twitter vẫn chưa có bình luận về thông tin này.

[Tỷ phú Elon Musk sẽ từ chức CEO Twitter khi tìm được người thay thế]

Tuần này, truyền thông đưa tin bà McSweeney đã đạt được thỏa thuận với Twitter sau khi tòa án ra phán quyết ngăn hãng sa thải bà.

Quyết định sa thải được đưa ra sau khi Phó Chủ tịch McSweeney không phản hồi với email từ Giám đốc điều hành Musk, trong đó yêu cầu các nhân viên chấp nhận văn hóa làm việc khắt khe hoặc ra đi.

Việc Twitter sa thải hàng loạt nhân viên và sự ra đi của một lãnh đạo cấp cao diễn ra trong bối cảnh các nhà chức trách trên thế giới đang hoài nghi về công tác kiểm duyệt nội dung và bảo vệ dữ liệu người dùng của Twitter, sau khi ông Musk giảm số nhân viên từ hơn 7.000 xuống dưới 2.000 người.

Vào ngày 21/12 vừa qua, ông Musk cho biết dòng tiền của Twitter có nguy cơ bị âm 3 tỷ USD trong năm tới và đây là lý do buộc ông phải cắt giảm mạnh chi phí.

Theo hãng tin AFP (Pháp), 8 tuần kể từ khi tỷ phú Musk trở thành chủ sở hữu chính thức của Twitter là quãng thời gian nền tảng này có nhiều xáo trộn, với việc sa thải hàng loạt, các tài khoản bị cấm đã hoạt động trở lại...

Cũng kể từ sau khi ông tiếp quản Twitter, số lượng bài viết có xu hướng phân biệt chủng tộc hoặc thù địch đã gia tăng. Điều này một mặt khiến các nhà quản lý soi xét kỹ lưỡng, mặt khác cũng khiến các nhà quảng cáo lớn, vốn mang lại nguồn thu nhập chính cho Twitter, rời bỏ mạng xã hội này.

Tháng trước, Ủy viên châu Âu phụ trách Thị trường nội khối Thierry Breton cho rằng Twitter còn nhiều việc phải làm để tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về việc kiểm duyệt nội dung, gỡ bỏ thông tin sai lệch và hạn chế quảng cáo tập trung vào những nhóm đối tượng nhất định.

Dự kiến vào đầu năm tới, EU sẽ tiến hành đánh giá mức độ tuân thủ của nền tảng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục