Quan hệ liên Triều đã rớt xuống mức thấp nhất với những động thái mới nhất từ cả hai bên. Ngày 15/10, Triều Tiên đã phá hủy một số đoạn trên 2 tuyến đường bộ kết nối hai miền Triều Tiên, trong khi Hàn Quốc công bố 11 “khu vực nguy hiểm” thuộc tỉnh Gyeonggi trên biên giới liên Triều.
Quân đội Hàn Quốc cũng đã nổ súng bắn cảnh cáo ở phía Nam Đường ranh giới quân sự (DML) chia cắt hai miền Triều Tiên để phản ứng động thái của Bình Nhưỡng. Hai tuyến đường Kyungui và Donghae là những tuyến đường bộ và đường sắt nối hai miền Triều Tiên chạy theo sườn phía Tây và phía Đông Bán đảo Triều Tiên.
Với vụ việc mới nhất, có thể nói việc kết nối đường sắt và đường bộ trên các tuyến Kyungui-Donghae được coi là biểu tượng cho tiến trình hòa giải và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên nhiều năm qua, đã chính thức khép lại.
Trong bối cảnh tiến trình đối thoại bế tắc, thời gian qua, hai miền Triều Tiên đã thực hiện các hành động "ăn miếng trả miếng" lẫn nhau. Triều Tiên hủy bỏ hoàn toàn các chính sách và cơ chế liên quan đến hòa giải với Hàn Quốc, coi Seoul là "quốc gia thù địch," đồng thời tiếp tục các vụ thử vũ khí.
Về phần mình, Hàn Quốc tăng cường tiềm lực quân sự, củng cố liên minh với Mỹ thông qua thực hiện các biện pháp răn đe mở rộng, trong đó có việc tiến hành những tập trận chung mà Triều Tiên luôn coi là hành động "tập dượt cho một cuộc chiến tranh" nhằm vào Bình Nhưỡng.
Cuộc chạy đua vũ trang, bao gồm cả tên lửa và hạt nhân khiến an ninh Bán đảo Triều Tiên trở nên rất khó đoán định.
Nguy cơ xung đột đang bị đẩy lên đỉnh điểm khi Triều Tiên đưa ra khả năng về một cuộc tấn công bằng pháo binh quy mô lớn để trả đũa việc “thiết bị bay không người lái của Hàn Quốc đã xâm nhập vào Bình Nhưỡng.”
Những vấn đề căng thẳng gây xung đột liên Triều trong giai đoạn này đang được đánh giá là lớn nhất kể từ khi chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol lên cầm quyền tháng 5/2022.
Triều Tiên đã công bố số lượng cụ thể là 8 lữ đoàn pháo binh được bố trí gần khu vực tiền tuyến biên giới và tuyên bố trong trạng thái “sẵn sàng khai hỏa.” Trước tình hình này, Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc đã ra chỉ thị cho các đơn vị tăng cường giám sát và sẵn sàng đáp trả.
Giới phân tích trong và ngoài quân đội Hàn Quốc ước tính Triều Tiên có khoảng 570 khẩu pháo tầm xa. Hệ thống pháo tầm xa của Triều Tiên bao gồm các bệ phóng tên lửa đa năng 240mm và bệ phóng tên lửa đa nòng 300mm mới được trang bị chức năng dẫn đường được triển khai hồi tháng 8 vừa qua.
Trong số 570 khẩu pháo tầm xa, có khoảng 200 bệ phóng tên lửa đa năng 240mm. Bệ phóng tên lửa đa năng 240mm có tầm bắn tối đa 65km và có thể tấn công khu vực đô thị, bao gồm cả phía Bắc Seoul. Nếu Triều Tiên sử dụng 200 khẩu pháo 240mm đa năng với 22 ống phóng, lực lượng này có thể bắn khoảng 4.400 viên đạn cùng lúc và đây được được đánh giá là mối đe dọa chí mạng với Hàn Quốc.
Hệ thống phóng loạt tên lửa mới có thể nhắm và tấn công đồng thời điều chỉnh quỹ đạo bằng cách gắn cánh vào tên lửa dẫn đường. Theo đó, mối đe dọa từ pháo tầm xa nhắm vào các cơ sở lớn ở Seoul và khu vực đô thị sẽ trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đã phản ứng với tuyên bố sẵn sàng triển khai lực lượng pháo thiện chiến như pháo tự hành K-9. Công tác chuẩn bị đã được tăng cường đến mức có thể triển khai các lực lượng pháo binh này đến các vị trí tác chiến trong thời gian ngắn nhất trong trường hợp cần thiết.
Thông tin cho biết Hàn Quốc cũng tăng cường các phương tiện trinh sát như vệ tinh và thiết bị bay không người lái để theo dõi mọi động thái di chuyển khí tài của quân đội Triều Tiên.
Cùng với đó, quân đội Hàn Quốc cũng tăng cường hoạt động tập huấn chung với Mỹ tại Trường huấn luyện Yeongpyeong, thuộc tỉnh Gyeonggi cách Đường phân giới quân sự (MDL) 30km về phía Nam. Hoạt động huấn luyện bắn súng chủ yếu được thực hiện với các trực thăng tấn công Apache của Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Một số chuyên gia nhận định việc Triều Tiên cho nổ mìn phá các tuyến đường Kyungui và Tuyến Donghae được xem là liệu pháp sốc với Hàn Quốc giống như vụ đánh bom Văn phòng liên lạc chung Bắc-Nam tại Khu công nghiệp Kaesong năm 2020. Có nhiều phân tích cho rằng các động thái này có thể nhằm gây lo lắng trong xã hội Hàn Quốc.
Các chuyên gia chỉ ra những tuyến đường trên đã bị đóng cửa từ lâu, nhưng giờ đây việc Triều Tiên phá hủy chúng sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới Hàn Quốc rằng Bình Nhưỡng không còn sẵn sàng đàm phán với Seoul nữa.
Ông Yang Moo Jin, hiệu trưởng Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, bình luận: "Đây là một biện pháp quân sự thực tế, liên quan đến hệ thống hai nhà nước thù địch mà Triều Tiên thường xuyên đề cập." Các vụ nổ mới nhất có thể là "công tác chuẩn bị."
Có thực tế là sau khi Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận 19/9 nhằm giảm thiểu căng thẳng quân sự liên Triều khu vực giới tuyến hồi tháng 11/2023, nước này cũng không triển khai pháo tầm xa quy mô lớn với Hàn Quốc. Bởi vậy, các động thái gần đây ở cả hai bên đang đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên mức cao mới. Giới phân tích dự đoán rằng trong tương lai gần, hai bên sẽ tăng cường hơn nữa các động thái gây căng thẳng với nhau.
Cho dù đứng ở góc độ nào thì các ý kiến đều thống nhất rằng vẫn tồn tại nguy cơ cao xảy ra xung đột cục bộ giữa hai miền Triều Tiên nếu các bên không có biện pháp hiệu quả để kiểm soát tình hình, bởi bất kỳ "liệu pháp sốc" nào cũng có thể gây hiệu ứng nguy hiểm khó lường.
Trung Quốc và Nga đã kêu gọi tất cả các bên, đặc biệt là Hàn Quốc, cần kiềm chế, tránh căng thẳng leo thang trong khu vực, tìm kiếm giải pháp chính trị để duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên./.
Hàn Quốc công bố 11 khu vực nguy hiểm trên biên giới liên Triều
Quan chức Triều Tiên cho biết việc chỉ định “khu vực nguy hiểm” là biện pháp để bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân ở các khu vực biên giới trong bối cảnh quan hệ liên Triều đang xấu đi.