Quảng cáo chèn phim

Phim truyền hình giờ vàng bị quảng cáo chèn ép

Trong con mắt của số đông khán giả, giờ vàng của phim Việt nay đã trở thành "chương trình quảng cáo, thỉnh thoảng có chèn phim”.
Phim Việt giờ vàng đang đưa người xem quay trở lại với màn ảnh nhỏ, nhưng hầu hết nhà đài đều vi phạm quy định về quảng cáo.

Trong con mắt của số đông khán giả, giờ vàng của phim nay đã trở thành giờ vàng cho quảng cáo. Và hài hước hơn, có người gọi đó là “chương trình quảng cáo, thỉnh thoảng có chèn phim”.
 
Khán giả kêu trời
 
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, với trung bình mỗi tập phim “Ma làng”, nhà đài thu được 700 triệu đồng từ tiền bán 12 phút quảng cáo, gấp 10 lần số tiền sản xuất mỗi tập phim.
 
Với “Bỗng dưng muốn khóc”, nhiều tập có thời lượng quảng cáo tương đương thời lượng phim. Phim chiếu từ 8h, nhưng đến 9h30 mới hết, trong khi mỗi tập chỉ dài 45 phút. Thậm chí, theo một nguồn tin hành lang, tập thu được nhiều tiền quảng cáo nhất của bộ phim đã mang về 1,8 tỷ đồng.
 
“Lập trình cho trái tim” cũng có những tập mang về khoản tiền cao xấp xỉ. Thậm chí do quảng cáo quá nhiều mà ở tập 19, nhà đài phải cắt cả bài hát ở cuối phim mới kịp giờ phát sóng bộ phim tiếp theo.
 
Trước đó, bộ phim truyền hình hơn 170 tập “Cô gái xấu xí” cũng rất hút quảng cáo. Lượng người xem tăng đột biến ở chục tập cuối chính là nguyên nhân dẫn đến việc phim bắt đầu chiếu từ lúc 21h10 nhưng lắm khi kết thúc vào 22h30, trong khi thời lượng thực của phim chỉ 50 phút.
 
Trong biểu giá quảng cáo của TVAd, “Cô gái xấu xí” một mình một chiếu, khi chi phí phát sóng của 1 spot 30 giây quảng cáo lên tới 46 triệu đồng (trong khi cũng cùng khung giờ đó, giá cho 1 spot tương đương phát trong chương trình phim Việt VTV3 chỉ 38 triệu đồng).
 
Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng, giảng viên đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Đài truyền hình hiện nay đang quá lạm dụng những phim hay để chèn quảng cáo nhằm đạt được doanh thu cao. Sự thái quá này phá hủy cảm xúc thẩm mỹ của người xem”.
 
Người làm truyền hình hoan hỉ
 
Hiện nay, những đài lớn như Truyền hình Việt Nam VTV, Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đạt doanh thu quảng cáo cao ngất ngưởng từ phim giờ vàng. Xin được cung cấp một vài con số trong biểu giá quảng cáo trên VTV mà TVAd áp dụng từ năm 2009.
 
Với chương trình phim Việt Nam trên VTV1 (21h-22h10), mức giá lần lượt cho mỗi spot 10-15-20-30 giây là 19-22,8-28,5-38 triệu. Với kênh VTV3, khung giờ 19h40, giữa hai bản tin Diễn biến thị trường và 24/7 có mức giá cao chót vót, lần lượt là 27,5-33-41,25-55 triệu. Từ 19h55 đến 21h, 18-21,6-27-36 triệu là mức giá áp dụng. Thử làm một phép tính đơn giản, cũng có thể ước lượng được 20-30 phút quảng cáo mỗi tập phim giờ vàng mang lại cho nhà đài biết bao nhiêu tiền?
 
Ông Khải Hưng - nguyên Giám đốc Trung tâm sản xuất phim VFC - Đài Truyền hình Việt Nam phát biểu, “Người xem ở Việt Nam hay kêu ca về việc có quá nhiều quảng cáo trong phim mà không ý thức được rằng mình đang xem miễn phí.
 
Đài truyền hình hiện nay không còn nhận được sự bao cấp của nhà nước, quảng cáo là nguồn thu chính đáng để đài có thể duy trì, phát triển, tổ chức sản xuất những bộ phim mới phục vụ công chúng xem truyền hình. Ngày xưa, khi là đạo diễn, tôi cũng rất bực bội vì tác phẩm của mình bị chèn quá nhiều quảng cáo. Bây giờ tôi thấy đây là chuyện hợp lý và cần được khán giả thông cảm”.
 
Đâu là lằn ranh giới hạn?
 
Tuy nhiên, Pháp lệnh quảng cáo, Chương 2, Điều 10 về quảng cáo trên báo chí nêu rất rõ: “Báo hình được quảng cáo không quá 5% thời lượng của chương trình, trừ kênh chuyên quảng cáo; mỗi đợt phát sóng đối với một sản phẩm quảng cáo không quá 8 ngày, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; mỗi ngày không quá 10 lần; các đợt quảng cáo cách nhau ít nhất 5 ngày; không quảng cáo ngay sau hình hiệu, trong chương trình thời sự”.
 
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn trên một tờ báo điện tử, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũ Xuân Thành đưa ra một thực tế đáng buồn, rằng “tất cả các đài truyền hình đều đang vi phạm pháp lệnh quảng cáo”.
 
Theo vị Chánh thanh tra, các đài truyền hình và một số cơ quan chức năng liên quan đưa ra lập luận rằng pháp lệnh quảng cáo và các văn bản hiện hành cho phép một kênh truyền hình được phát quảng cáo bằng 5% thời lượng của toàn kênh đó. Nhưng đó là họ cố tình “phớt lờ” qui định về thời lượng quảng cáo trong một bộ phim là không được cắt quá hai lần và mỗi lần không quá năm phút. Còn với chương trình vui chơi giải trí, không quá bốn lần, mỗi lần không quá năm phút.
 
Hiện nay tất cả đài truyền hình đều đã cắt ngang 3-4 lần trong một bộ (tập) phim, mỗi lần đều không dưới năm phút. Các chương trình vui chơi giải trí có lượng người xem cao có khi quảng cáo đến trên 20 phút.
 
Đó cũng là quan điểm của ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông). Đúng là càng ngày các cơ quan truyền thông càng phải tự chủ trong chi tiêu, nhưng như vậy không có nghĩa là khách hàng muốn phát quảng cáo vào giờ nào thì truyền hình phải phát giờ đó.
 
Những chế tài cần thiết
 
Trong tương lai, nếu Dự thảo Luật quảng cáo được thông qua, truyền hình sẽ không bị khống chế thời lượng 5% dành cho quảng cáo, mà có thể được cao hơn. Nhưng chắc chắn trong luật sẽ có qui định cụ thể hơn nữa về những giờ “cao điểm” hoặc nhạy cảm.
 
Trong giờ vàng chiếu phim Việt, giờ gia đình sinh hoạt chung buổi tối, “nhà đài” không được phép cắt ngang để quảng cáo quá nhiều hoặc đưa ra những quảng cáo phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, quá lời, không chính xác. Các mức chế tài - chủ yếu là phạt tiền - cũng sẽ cao hơn.
 
Thật ra, không phải không có cách để dung hòa nhu cầu kiếm tiền của nhà đài với quyền lợi của khán giả. Ông Nguyễn Thành Lương – Giám đốc Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam đưa ra kiến nghị, nếu phim hay, có nhiều người muốn đưa quảng cáo vào thì giá quảng cáo phải tăng lên để thu được nhiều tiền nhưng không tăng số lượng quảng cáo.
 
Một hướng nữa là đấu thầu toàn bộ quảng cáo trong năm ở khung giờ phim; ấn định thời lượng tối đa./.  

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
Doanh nhân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục