Quy chế đào tạo tiến sỹ: Bản chính xoay chiều với dự thảo

Giáo sư Ngô Việt Trung cho rằng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo tiến sỹ đã khiến nhiều người “ngã ngửa” vì bản chính thức đã thay đổi hoàn toàn ở những điểm quan trọng nhất.
Quy chế đào tạo tiến sỹ: Bản chính xoay chiều với dự thảo ảnh 1Giáo sư Ngô Việt Trung. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Theo ý kiến của giáo sư Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, trong email vừa được ông gửi tới cộng đồng khoa học Việt Nam để thể hiện quan điểm về quy chế đào tạo tiến sỹ mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì: "một khi đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận thì bộ phải tổ chức lại việc lấy ý kiến theo đúng quy trình."

Bản chính xoay chiều với dự thảo

Theo giáo sư Ngô Việt Trung, trong buổi Tọa đàm góp ý dự thảo Quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ và tiến sỹ, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định “chỉ có thể tăng được quy mô đào tạo khi chúng ta đảm bảo với xã hội, cam kết với xã hội về chất lượng” và giải pháp là “tăng cường tự chủ, xiết chặt đầu ra...”

Trên tinh thần này, bản dự thảo quy chế ban đầu đã để các cơ sở đào tạo tự quyết định một số chuẩn đầu vào, nhưng vẫn giữ các chuẩn đầu ra theo quy chế năm 2017, trong đó có yêu cầu về việc bắt buộc phải có công bố quốc tế với nghiên cứu sinh và người hướng dẫn.

Theo đó, giáo sư Ngô Việt Trung cho rằng Bản dự thảo được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến đóng góp của người dân và Thông tư 08 năm 2017 khi ban hành đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là ở những điểm liên quan đến chất lượng đầu ra.

Trong khi dự thảo yêu cầu nghiên cứu sinh phải có một công bố trong tạp chí quốc tế có uy tín và một công bố trong nước thì bản chính thức lại chỉ cần có ba công bố trong nước loại trung bình. Hoặc ở dự thảo quy chế yêu cầu người hướng dẫn phải có hai công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín thì bản chính thức ban hành chỉ yêu cầu 6 công bố trong nước loại trung bình.

[Quy chế đào tạo mới là bước thụt lùi, cơ hội cho 'các lò' tiến sỹ rởm]

“Không ai biết vì sao và khi nào Bộ Giáo dục và Đào tạo lại thay đổi quan điểm 180 độ như vậy! Thậm chí, tổ trưởng Tổ chuyên gia xây dựng Quy chế của bộ cũng không được biết chuyện này. Khi kết thúc thời kỳ sửa bản dự thảo theo các ý kiến góp ý thì chuẩn đầu ra của tiến sỹ vẫn dựa theo quy chế năm 2017(…) Khi thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức lại việc lấy ý kiến theo đúng quy trình."

Quy chế đào tạo tiến sỹ: Bản chính xoay chiều với dự thảo ảnh 2Lễ trao bằng tiến sỹ. (Ảnh minh họa: Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

"Bộ cũng chưa bao giờ tiến hành tổng kết toàn diện về quy chế 2017 để rút ra những kết luận cần thiết cho việc xây dựng quy chế mới. Việc không thực hiện những bước này sẽ không giúp thấy được những hậu quả khôn lường của việc hạ thấp chất lượng đầu ra và từ bỏ các chuẩn mực quốc tế,” giáo sư Ngô Việt Trung nhấn mạnh.

Hạ thấp chuẩn mực đào tạo

Giáo sư Ngô Việt Trung cho rằng công bố quốc tế là giải pháp mấu chốt để có "tiến sỹ thật" trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Theo giáo sư Trung, hiện nay chất lượng tạp chí trong nước còn thấp và liêm chính học thuật chưa cao. "Phần lớn các tạp chí trong nước có ban biên tập yếu kém, quản lý lỏng lẻo nên không đảm bảo về chất lượng, cả nước có khoảng 600 tạp chí khoa học, nhưng chỉ có 9 tạp chí lọt vào danh sách các tạp chí quốc tế có uy tín."

Ông Trung cho hay các đại học ở các nước kém phát triển về khoa học, như Thái Lan và Malaysia, đều yêu cầu luận án tiến sỹ phải có 1-2 công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín vì các tạp chí này được đánh giá khách quan. Tại các nước phát triển như Mỹ, luận án tiến sỹ không nhất thiết phải có công bố khoa học, nhưng khi tiến sỹ đi xin việc thì bao giờ cũng phải trình danh sách các công bố khoa học."

[Tranh cãi về đào tạo tiến sỹ: Bước ra biển lớn hay về tắm ao làng?]

“Yêu cầu có công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín của quy chế năm 2017 đã tiệm cận chuẩn mực quốc tế đồng thời giúp dẹp bỏ các lò đào tạo tiến sỹ không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, quy chế mới đã bỏ hẳn yêu cầu này, hạ thấp chất lượng đào tạo và từ bỏ hội nhập quốc tế, đi ngược lại tinh thần của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và cũng đi ngược lại yêu cầu ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’ của Thủ tướng Phạm Minh Chính,” giáo sư Ngô Việt Trung nhận định.

Quy chế đào tạo tiến sỹ: Bản chính xoay chiều với dự thảo ảnh 3Nghiên cứu khoa học trong trường đại học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng theo giáo sư Trung,  bên cạnh việc “thả nổi đầu ra” và hạ chuẩn người hướng dẫn, còn một số điểm khác trong quy chế mới sẽ tạo điều kiện cho sự tái sinh của các lò đào tạo tiến sỹ có chất lượng không đảm bảo như: một người có thể đào tạo 7 tiến sỹ cùng lúc, tiến sỹ mới tốt nghiệp có thể hướng dẫn ngay nghiên cứu sinh mới... 

Tự chủ đầu ra?

Phản biện quan điểm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy chế mới chỉ “đưa ra yêu cầu tối thiểu cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học và các ngành” theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giáo sư Ngô Việt Trung cho rằng trong bối cảnh xã hội Việt Nam vẫn trọng bằng cấp hơn chất lượng thực, cơ sở đào tạo có hiện tượng không liêm chính thì việc đưa ra chuẩn thấp và trông đợi vào việc nâng chất lượng từ tự chủ là không phù hợp.

Trong một xã hội còn coi trọng bằng tiến sỹ, không quan tâm đến khả năng của người mang bằng, thì người ta sẽ chọn làm nghiên cứu sinh ở những cơ sở đào tạo có chuẩn đầu ra thấp nhất. Đợi đến lúc các cơ sở này tự đào thải thì đã có không biết bao nhiêu tiến sỹ chất lượng không đảm bảo chui vào các cơ quan công quyền hay giảng dạy ở các đại học. Hậu quả đối với xã hội thế nào thì ai cũng rõ,” giáo sư Trung nhấn mạnh.

["Công bố quốc tế là yêu cầu khách quan, bắt buộc của giới khoa học"]

Thẳng thắn thừa nhận quy chế đào tạo tiến sỹ năm 2017 còn những hạn chế như không thể có chuẩn đầu ra chung cho tất cả các chuyên ngành hay yêu cầu công bố quốc tế còn chung chung tạo kẽ hở cho việc “mua” bài báo quốc tế, giáo sư Ngô Việt Trung cho rằng quy chế mới phải tiếp nối quy chế 2017 bằng cách khắc phục các điểm yếu theo tinh thần nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế.

Cụ thể, trước hết cần phải xác định chuẩn mực công bố quốc tế trong đào tạo tiến sỹ ở các nước có trình độ khoa học giống Việt Nam trong từng nhóm ngành. Tiếp đó, phải đánh giá tình hình công bố trong từng nhóm ngành để có thể quy định một chuẩn đầu ra tiệm cận dần theo các chuẩn mực quốc tế cho nhóm ngành đó với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ trong từng nhóm ngành chứ không phải chấp nhận thực tại.

[Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiệm cận quốc tế trong đào tạo tiến sỹ]

Có thể chấp nhận công bố trên các tạp chí trong nước thoả mãn một số tiêu chí về ban biên tập, quy trình duyệt bài, ngôn ngữ quốc tế dựa theo các tiêu chuẩn xét chọn tạp chí của các danh mục WoS hay Scopus. Đặt ra các tiêu chí cụ thể sẽ giúp cho các tạp chí trong nước có định hướng phấn đấu trở thành các tạp chí quốc tế thật sự.

Cũng theo giáo sư Ngô Việt Trung, để xoá bỏ tình trạng mua bài quốc tế kém chất lượng chỉ cần loại các nhà xuất bản có tai tiếng, các tạp chí chất lượng thấp.

“Vấn đề chính của Thông tư 18/2021 là nó tạo ra hành lang pháp lý cho phép các cơ sở đào tạo hạ thấp các chuẩn mực đào tạo tiến sỹ, không hội nhập quốc tế. Thông tư 18/2021 đi ngược những mục tiêu của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, đi ngược lại yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật” của Thủ tướng. Nếu để thông tư này tồn tại thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bị đánh giá sai quan điểm đào tạo mỗi khi xảy ra tiêu cực trong giáo dục đại học,” giáo sư Ngô Việt Trung nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục