"Quyền lợi khách hàng được đảm bảo khi tái cơ cấu"

Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, quyền và lợi ích của người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng luôn được đảm bảo.
Ông Dương Quốc Anh – Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, quyền và lợi ích của người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng luôn được đảm bảo.

- Sau việc hợp nhất 3 ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn vào cuối năm 2011, mới đây 2 ngân hàng là Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (HBB) và Ngân hàng Sài Gòn – Hà Hội (SHB) cũng đã quyết định sáp nhập lại với nhau. Đây liệu có phải là một quyết định tự nguyện của cả 2 ngân hàng không thưa ông?

Ông Dương Quốc Anh: Việc hai ngân hàng HBB và SHB quyết định sáp nhập với nhau hoàn toàn trên tinh thần tự tìm hiểu và tự nguyện nhằm mục đích tạo ra một định chế tài chính có quy mô tài sản mới lớn hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh trong tương lai.

Quyết định của hai ngân hàng cũng phù hợp với chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước là khuyến khích việc các tổ chức tín dụng tự nguyện sáp nhập, hợp nhất, mua lại. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo chặt chẽ quá trình này và tiếp tục giám sát quá trình sáp nhập của hai ngân hàng để tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ, đảm bảo việc sáp nhập thành công.

- Vậy còn quyền lợi của khách hàng gửi tiền tại các tổ chức tín dụng đã và đang trong tiến trình sáp nhập, hợp nhất và mua lại thì sao, thưa ông?

Ông Dương Quốc Anh: Tôi xin khẳng định lại là quyền và lợi ích của người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng đang tham gia tiến trình này luôn được đảm bảo. Minh chứng thực tế, trường hợp hợp nhất gần đây của ba ngân hàng: Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa, Đệ Nhất cho thấy việc nhận, chi trả tiền gửi của dân chúng vẫn diễn ra bình thường.

Đối với trường hợp HBB và SHB, toàn bộ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của các bên liên quan với HBB sẽ tiếp tục được Ngân hàng sáp nhập (trong trường hợp này là SHB) kế thừa và tiếp tục thực hiện. Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ và kịp thời chỉ đạo các ngân hàng tham gia sáp nhập thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hoạt động kinh doanh của ngân hàng liên tục, không gián đoạn, đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của các khách hành khác tại HBB.

- Thưa ông, tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng là một chủ trương lớn của Nhà nước. Xin ông cho biết rõ hơn mục tiêu cũng như lộ trình thực hiện chủ trương này của Ngân hàng Nhà nước?

Ông Dương Quốc Anh: Trước hết, phải khẳng định rằng việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 và đã được cụ thể hóa tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

Mục tiêu của quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng là cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện các mặt tài chính, hoạt động, quản lý điều hành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng quản trị rủi ro cho các tổ chức tín dụng, từ đó phát triển an toàn, hiệu quả và vững chắc, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Để đạt được các mục tiêu trên, cần phải có những bước đi thích hợp. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các giải pháp khác nhau, trong đó ưu tiên thực hiện các giải pháp tiến hành với chi phí thấp nhất, bảo đảm giữ vững sự an toàn, ổn định của hệ thống, đồng thời không gây tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Theo quan điểm này, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc tự nguyện trên nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và các quyền, lợi ích và nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục