Sản lượng gạo sụt giảm tại châu Á đe dọa an ninh lương thực

Gần một thập niên sau cú sốc về giá lương thực toàn cầu, các nhà sản xuất gạo hàng đầu châu Á đang phải chịu đợt hạn hán gay gắt đe dọa làm giảm sản lượng, tăng giá mặt hàng thiết yếu.
Sản lượng gạo sụt giảm tại châu Á đe dọa an ninh lương thực ảnh 1Dây chuyền xay lúa và sấy lúa của Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Gần một thập niên sau cú sốc về giá lương thực toàn cầu, các nhà sản xuất gạo hàng đầu của châu Á lại đang phải chịu một đợt hạn hán gay gắt đe dọa làm giảm sản lượng và tăng giá mặt hàng thiết yếu đối với một nửa dân số thế giới này.

Dự kiến sản lượng gạo thế giới năm nay sẽ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2010 do ảnh hưởng của hiện tượng El-nino khiến những cơn mưa đã không tới được những vựa lúa ở châu Á.

Một làn sóng nhiệt đang càn quét nước xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ, trong khi đó nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới là Thái Lan cũng đang phải đối mặt với năm hạn hán thứ hai liên tiếp.

Còn ở Việt Nam, nhà cung cấp gạo lớn thứ ba, những dải đất nông nghiệp cũng đang khô nẻ vì hệ thống tưới tiêu không được cung cấp nước từ Đồng bằng sông Cửu Long. Ba nước này chiếm hơn 60% giao dịch gạo toàn cầu.

Theo ông James Fell, một nhà kinh tế tại Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), hiện chưa thấy giá gạo tăng do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng do khối lượng gạo trong các kho dự trữ lớn ở Ấn Độ và Thái Lan. Nhưng điều này sẽ không thể kéo dài mãi.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng gạo tồn kho tại ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu sẽ giảm xuống còn khoảng 19 triệu tấn vào cuối năm nay và sẽ là năm có mức giảm lớn nhất kể từ năm 2003.

Sự gián đoạn trong hoạt động cung ứng gạo từ các nước kể trên (Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam) đều có thể gây ra những tác động lớn. Trong năm 2008, sản lượng gạo châu Á sụt giảm do hiện tượng El-nino khiến Ấn Độ cấm xuất khẩu, làm giá gạo toàn cầu tăng vọt và gây ra cuộc bạo động lương thực ở Haiti và khiến những nước nhập khẩu lớn như Philippines gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra các biện pháp xử lý.

Manila vào thời điểm đó đã phải sử dụng các biện pháp mạnh để giảm đầu cơ và tích trữ gạo. Chính phủ Philippines ra lệnh cho quân đội giám sát việc bán gạo trợ cấp và yêu cầu các chuỗi bán đồ ăn nhanh chỉ phục vụ nửa suất, đồng thời thúc giục Việt Nam và những nước khác bán nhiều gạo cho Philippines hơn.

Thế giới đã phải chịu một loạt các cuộc khủng hoảng lương thực trong thập niên qua liên quan đến thời tiết bất lợi. Giá gạo của Thái Lan đạt mức kỷ lục khoảng 1.000 USD/tấn trong năm 2008.

Thông thường giá gạo cao cũng sẽ làm tăng nhu cầu đối với các loại ngũ cốc khác như lúa mỳ, vốn được sử dụng rộng rãi để sản xuất mỳ ở châu Á và đậu tương và ngô dùng làm thực phẩm hay chăn nuôi.

Giá gạo đầu tháng Tư vừa qua đã tăng lên 389,50 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2015 và tăng 13% so với thời điểm thấp nhất trong vòng 8 năm qua ở mức 344 USD/tấn trong tháng 9/2015.

Sản lượng gạo giảm lần đầu tiên trong vòng 6 năm

Chuyên gia Bruce Tolentino của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế có trụ sở tại Philippines cho rằng mặc dù hiện tại giá gạo vẫn tương đối ổn định song đang có xu hướng nhích lên do lo ngại về tình hình sản lượng gạo sụt giảm ở châu Á.

Mặc dù sản lượng gạo của Ấn Độ trong năm 2015 khá ổn định, nhưng nhiệt độ cực nóng năm nay đang đe dọa vụ chính thứ hai của Ấn Độ. Các thương nhân cho rằng giá gạo sẽ tăng ngay trong tháng Sáu tới khi Ấn Độ thu hoạch vụ chính thứ nhất, chứ không phải chờ đến vụ chính thứ hai vào tháng Chín hay chờ đến vụ chính của Thái Lan vào cuối năm.

Theo nhận định của IGC, sản lượng gạo thế giới năm nay sẽ ở mức khoảng 473 triệu tấn, giảm so với mức 479 triệu tấn năm 2015 và cũng là lần đầu tiên bị sụt giảm trong vòng 6 năm qua.

Sản lượng vụ chính của Thái Lan mùa trước chỉ bằng một nửa ở thời điểm đỉnh cao vài năm trước đây và USDA dự báo sản lượng gạo của Thái Lan sẽ giảm hơn 1/5 xuống 15,8 triệu tấn, trong năm nay. Một thương nhân ở Bangkok cho biết chính phủ nước này đã yêu cầu nông dân không trồng lúa khi mà lượng nước còn quá ít trong các hồ chứa sau hai năm hạn hán.

Tại Việt Nam, Chính phủ cho biết sản lượng có thể giảm 1,5% trong năm nay xuống 44,5 triệu tấn, trong khi lượng gạo dành cho xuất khẩu sẽ là 8,7 triệu tấn theo như dự báo trước đó. Khoảng 240.000ha lúa bị phá hủy bởi hạn hán và xâm nhập mặn.

Một thương gia Singapore cho biết trong khi mức suy giảm mọi năm của Việt Nam là không đáng kể, nhưng ở vụ thu hoạch gần đây nhất sản lượng đã giảm từ 5-6% so với năm ngoái.

Một số nước châu Á đã có kế hoạch tăng lượng gạo nhập khẩu. Indonesia dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn năm 2016, tăng 60% so với các năm trước. Nước nhập khẩu gạo hàng đầu là Trung Quốc mỗi năm phải nhập khoảng 5 triệu tấn, dự kiến cũng sẽ tăng lượng gạo nhập khẩu.

Theo dự báo của IGC, sản lượng gạo của Trung Quốc trong năm nay sẽ sụt giảm năm thứ ba liên tiếp và không thể đáp ứng được nhu cầu trong nước. Trong khi đó, Philippines có lượng gạo dự trữ thấp nhất kể từ tháng tháng Ba vừa qua mặc dù đã nhập khẩu 750.000 tấn và đang chuẩn bị nhập thêm 500.000 tấn nữa.

Bộ trưởng Kế hoạch và kinh tế Philippines Emmanuel Esguerra cho biết mặc dù El-nino đã bước vào giai đoạn suy yếu, nhưng nguy cơ giá lương thực tăng cao vẫn hiện hữu khi mùa Hè tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục