Săn thịt thú rừng dịp Tết - Vạ từ miệng của 'giới sành điệu'

Xét về phương diện thực phẩm sạch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn thịt thú rừng quả là rước bệnh từ miệng vào ruột.
Săn thịt thú rừng dịp Tết - Vạ từ miệng của 'giới sành điệu' ảnh 1Tang vật một vụ buôn bán động vật hoang dã. (Nguồn: TTXVN)

Tết với người Việt là đoàn viên, nhà nhà chuẩn bị đầy đủ thức ăn, mâm cỗ cho những ngày Tết xum họp gia đình.

Với xu hướng đất nước Việt Nam đang ngày càng phát triển, hướng đến lối sống văn minh, sạch, xanh vì sức khỏe và môi trường, "cái ăn" là một trong những sự quan tâm lớn với người dân Việt Nam.

Nếu ngày xưa chỉ cần "ăn no, mặc ấm," ngày nay hầu hết mọi người cần "ăn ngon, mặc đẹp."

Tuy nhiên, một vấn đề luôn nóng liên quan đến "cái ăn" mà đến hẹn lại lên, mọi người đều quan tâm cao độ trong dịp Tết là thưởng thức món gì để có lợi cho sức khỏe và không làm tổn hại đến môi trường thiên nhiên.

Vạ từ miệng

Như một sức ì có từ xa xưa, đa số người Việt vẫn có cái thú săn thịt thú rừng thuộc loại hoang dã quý hiếm vào các dịp lễ hay sự kiện đặc biệt như ngày Tết.

Họ "chém gió" với nhau rằng đây là "đặc sản rừng già," "hơn người là phải nhâm nhi cái gì đó khác biệt," "xơi thú quý mới xứng đẳng cấp đại gia"...

[Bắt giữ 3 đối tượng dùng súng hơi săn bắt động vật quý hiếm]

Xét về phương diện thực phẩm sạch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn thịt thú rừng quả là rước bệnh từ miệng vào ruột.

Trước tiên, động vật hoang dã có khả năng rất cao chứa virus gieo rắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với con người - có đến 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã và điều này đã được thấy quá rõ ràng qua các đại dịch xảy ra khắp nơi như HIV, Ebola, H5N1, SARS, bệnh dại từ dơi xuất hiện ở vùng Amazon (châu Mỹ), virus Marburg ở châu Âu.

Và mới nhất là virus SARS-CoV-2 đã bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc, gây ra dịch COVID-19, khiến khoảng 104 triệu người mắc và gần 2,4 triệu người chết trên thế giới tính đến đầu tháng 2/2021. Các nhà khoa học cho rằng nguồn gốc của virus này cũng từ động vật hoang dã.

Các virus gây dịch bệnh nguy hiểm lây lan một cách nhanh chóng từ động vật hoang dã sang con người trong quá trình tiếp xúc trực tiếp do sự săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Những người ăn thịt các con vật có chứa ký sinh trùng hoặc virus cũng có khả năng lây nhiễm rất cao.

Hơn nữa, thịt động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam thường được dân buôn lậu thu gom "chui" từ nhiều nguồn, thời gian vận chuyển thịt từ rừng đến nơi tiêu thụ khá dài, "đầu nậu" bắt buộc phải sử dụng hóa chất để chống thối rữa rồi sau đó mới chuyển đến các nơi tiêu thụ.

Lúc này, thịt rừng không còn là đặc sản nữa mà là một loại "thực phẩm lạ" thấm đẫm hoá chất, để lâu ngày, chưa qua kiểm dịch. Người ăn chắc chắn sẽ không tránh khỏi các loại chất độc hoá học đã ngấm vào từng miếng thịt được tẩm ướp đủ thứ gia vị để giấu đi cái mùi thật rất đáng sợ.

Đắt tiền, giá trị ảo

Vì ham lợi nhuận, người bán sẵn sàng dùng hóa chất biến "thịt nhà" thành "thịt rừng" để bán được giá cao. Thịt động vật hoang dã rừng giả được bán đầy rẫy khắp các khu chuyên đặc sản rừng và việc này liên tục bị báo chí phanh phui mỗi đợt Tết đến Xuân về.

Và dù thực khách may mắn được thưởng thức thú rừng thực sự thì liệu nó có tác dụng đúng như lời đồn đại dân gian không?

Ninh Thuận từng là một trong những "cái nôi" của tê tê. Nhưng do bị săn bắt quá nhiều, hiện nay con tê tê ở tỉnh này đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt. Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Ninh Thuận đã đăng bài "Tê tê có phải thần dược hay không?"

Bài viết nêu rõ con tê tê có tên khoa học là Manis Pentadactyla, trông bề ngoài giống như con kỳ đà nhưng thực ra là loài động vật có vú, nuôi con bằng sữa. Tê tê có thân dài, chân ngắn và thấp, đầu nhỏ, nhọn và đuôi rất dài.

Phần trên lưng từ mũi đến tận đuôi có phủ một lớp vảy hình vỏ trai xếp như mái ngói; má, ngực, bụng không có vảy, chỉ có lớp lông cứng.

Tê tê trèo cây rất giỏi, ngủ trên cây hoặc dưới hang, di chuyển chậm chạp và khi có động, bị rượt đuổi thì cuộn tròn mình rất chặt, đưa lớp vảy bề lưng ra ngoài để bảo vệ thân và chính nhược điểm này mà tê tê rất dễ bị con người săn bắt.

Tê tê có lưỡi hình tròn, dài bằng nửa thân, ăn côn trùng, chuyên dùng móng vuốt phá vỡ tổ kiến và tổ mối để ăn (là những loài phá hoại cây cối, gỗ và công trình bằng gỗ) nên là loài vật rất có ích cho con người.

Theo Tiến sỹ-dược sỹ Đỗ Tất Lợi, thành phần hóa học vảy tê tê (xuyên sơn giáp) chưa được nghiên cứu một cách khoa học.

Còn theo dược sỹ Bùi Kim Tùng, nếu đúng như dân gian truyền tụng, vảy tê tê chữa các bệnh tán huyết, thông lạc, tan ung nhọt, trị tắc sữa... thì ngày nay trên thị trường có rất nhiều vị thuốc đông y, tây y rẻ tiền có tác dụng tương tự, thậm chí hiệu quả hơn.Còn xét theo lời đồn về công năng "tăng cường sinh lực", "cường

dương đại bổ" thì thịt tê tê cũng chẳng hơn gì các món thịt bò, thịt chó, thịt dê... và đều chưa được khoa học chứng minh, xác nhận. Trong khi đó, giá của thịt tê tê so với thịt bò, thịt dê thì quá đắt, chưa kể hay bị làm giả.

Mang tội đồng lõa

Ngoài nguy cơ nhiễm bệnh tật cao và gây hại cho sức khỏe từ việc ăn thịt động vật hoang dã - tiền mất tật mang - thì nguy cơ tù tội cũng lơ lửng trên đầu các vị thực khách "sành điệu." Họ có thể bị coi là đồng lõa với hành vi săn bắt, tàng trữ, buôn bán hay tiêu thụ động vật hoang dã.

Ngày 19/12/2020, Tòa án Thành phố Cần Thơ tuyên phạt bị cáo Đỗ Thanh Sơn mức án 12 năm 6 tháng tù, đồng thời phạt bổ sung 100 triệu đồng về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" quy định tại Điều 244 Bộ luật hình sự.

Trước đó, tháng 2/2020, Sơn nhận vận chuyển 11 sừng tê giác từ Mozambique về Việt Nam với tiền công là 1.000 USD.

Săn thịt thú rừng dịp Tết - Vạ từ miệng của 'giới sành điệu' ảnh 2Một vụ buôn lậu sừng tê giác bị phát hiện, thu giữ. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 2/3/2020, Sơn bị phát hiện tại cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ. Kết quả giám định cho thấy 11 sừng tê giác có tổng khối lượng 28.2495kg thuộc về loài tê giác trắng thuộc phụ lục II danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật nguy cấp (CITES).

Lời kết

Ẩm thực Việt Nam rất phong phú, ẩm thực ngày Tết lại càng đa dạng. Chúng ta có nhiều sự lựa chọn món ăn ngon, bổ hơn thịt động vật hoang dã.

Dù bạn chưa quan tâm đến những giá trị "xa xôi" như chuẩn mực văn hóa, xã hội và bảo vệ thiên nhiên, bạn cũng nên nghĩ đến những vấn đề thiết thân. Đó là sức khỏe của chính bạn.

Ăn thịt động vật hoang dã và thú rừng là "đưa họa từ miệng vào thân"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục