Sông Nhuệ cạn kiệt, nông dân khó tìm nguồn tưới

Dù đang vào giai đoạn tưới phục vụ đổ ải, song nông dân Hà Nam đang rất khó khăn tìm nguồn nước, do nước sông Nhuệ đã cạn kiệt.
Hiện nay, tỉnh Hà Nam đã bước vào giai đoạn lấy nước tưới phục vụ việc đổ ải, làm đất cho sản xuất vụ lúa xuân 2009 - 2010.

Song do mực nước các sông trên địa bàn tỉnh xuống quá thấp nên việc bơm nước tưới gặp nhiều khó khăn.

Tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương chủ động lấy nước đổ ải sớm hơn mọi năm để đảm bảo việc gieo cấy đúng thời vụ.

Tại trạm bơm Duy Hải (huyện Duy Tiên) trạm chính không bơm trực tiếp được từ sông Nhuệ do mực nước sông xuống quá thấp, công ty Khai thác công trình thủy lợi Duy Tiên đã phải lắp đặt 4 máy bơm dã chiến ở cửa cống 13-3 để lấy nước.

Năm nay, mặc dù bơm sớm hơn mọi năm nhưng do mực nước xuống quá thấp nên trong 4 máy bơm dã chiến chỉ hoạt động được 3 máy.

Toàn bộ nước tưới cho sản xuất vụ xuân của huyện Duy Tiên đều phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước từ sông Nhuệ.

Tuy nhiên, do mực nước trên sông Nhuệ chỉ đạt 0,4 - 0,5m; trên sông Châu từ 0,4 - 0,8m nên một số trạm bơm chính trên địa bàn như: Điệp Sơn, Hoàng Uyển, Duy Hải, Bút 1, Bút 2... đã không thể hoạt động được.

Anh Trịnh Kiên Trung, Phó giám đốc công ty Khai thác công trình thủy lợi Duy Tiên cho biết: "do mực nước các sông xuống quá thấp nên vụ này công ty phải đẩy thời gian lấy nước lên sớm hơn gần 20 ngày so với kế hoạch ban đầu để tranh thủ nguồn nước nhập, khi mà các địa phương ở đầu nguồn chưa bơm tưới".

Cùng với huyện Duy Tiên, 70% diện tích sản xuất vụ xuân của huyện Kim Bảng và vùng phía bắc huyện Lý Nhân lấy nước từ sông Nhuệ cũng đang trong tình cảnh khó khăn.

Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Nam, mực nước sông Nhuệ đã xuống thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước từ 0,2-0,4m. Ngay mức nước sông Hồng tại Như Trác có lúc xuống đến 0,4m so với cao trình, trên sông Đáy chỉ đạt 0,4-0,5m.

Do vậy, các công ty Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn đều có biện pháp chủ động lấy nước, trước Tết Nguyên đán cơ bản đủ cho những vùng khó khăn này.

Ông Đặng Xuân Khánh, Chi cụ trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nam cho biết, vấn đề cốt yếu là cùng với việc lấy nước sớm thì cần phải tập trung giữ nước tốt, không để thất thoát. Theo đó, các địa phương cần tuân thủ chặt chẽ lịch lấy nước

Khi diện tích ruộng đủ nước, các Hợp tác xã dịch vụ và bà con nông dân phải quản lý tốt nước trên ruộng, bằng cách đắp cao bờ vùng, bờ thửa không để chảy tràn lan, gây lãng phí.

Với những biện pháp chủ động lấy nước của các đơn vị phục vụ, tỉnh Hà Nam sẽ cơ bản khắc phục được những khó khăn vì thiếu nước, đảm bảo việc gieo cấy đúng thời vụ./.

Nguyễn Chinh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục