Sự thật về sức mạnh của Hezbollah và nguy cơ nội chiến tại Liban

Chuyên gia về Liban Hanin Ghaddar tại Viện Chính sách Cận Đông Washington cho rằng con số 100.000 chiến binh do thủ lĩnh Hassan Nasrallah của Hezbollah công bố là một sự phóng đại.
Sự thật về sức mạnh của Hezbollah và nguy cơ nội chiến tại Liban ảnh 1Các tay súng thuộc phong trào Hezbollah và Amal trong cuộc đấu súng tại khu vực Tayouneh ở thủ đô Beirut, Liban, ngày 14/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lực lượng Hezbollah tại Liban vừa tuyên bố sức mạnh chiến đấu đã gia tăng vượt trội với lực lượng gồm 100.000 tay súng, lớn hơn cả quân đội Liban. Tuyên bố đó khiến dư luận lo ngại về nguy cơ đội quân Hồi giáo này sẽ tuyên chiến và lật đổ chế độ. Vậy đâu là sự thật về sức mạnh của Hezbollah và nguy cơ nội chiến tại Liban đang ở cấp độ nào?

Theo tờ Jerusalem Post, con số 100.000 tay súng rõ ràng là phóng đại, nhưng nó thể hiện một thực tế là Hezbollah đã không còn phải tỏ ra là một “phong trào kháng chiến nhỏ" nữa, mà đã đến lúc cần “phô trương” có nhiều lực lượng hơn quân đội Liban và trên thực tế đã biến Liban thành thuộc địa trong một đế chế rộng lớn do Hezbollah kiểm soát.

Chuyên gia về Liban Hanin Ghaddar tại Viện Chính sách Cận Đông Washington cho rằng con số 100.000 chiến binh do thủ lĩnh Hassan Nasrallah của Hezbollah công bố là một sự phóng đại “kể cả tính đến đội quân dự bị."

Viết trên Twitter, chuyên gia Ghaddah nhận định: “Hơn nữa, số lượng là một chuyện, nhưng chất lượng của các tay súng cũng đã rệu rã sau các cuộc chiến kéo dài, sự thiếu hụt ngân sách và tuyển mộ ồ ạt trong cuộc xung đột ở Syria."

Mục đích của việc phóng đại trên là nhằm dọn đường cho tuyên bố về một cuộc "nội chiến" sau khi các thành viên của Hezbollah nói rằng họ đã bị bắn trong một cuộc biểu tình gần đây. Cuộc biểu tình này do Hezbollah tổ chức nhằm phản đối một thẩm phán đang phụ trách điều tra vụ nổ năm ngoái ở thủ đô Beirut của Liban, trong đó Hezbollah đang bị điều tra là thủ phạm tích trữ hóa chất amoni nitrat gây cháy.

Hezbollah cho rằng chính Tổng tham mưu trưởng quân đội Liban Samir Geagea, một người theo đạo Thiên chúa, và quân đội là thủ phạm trong vụ này.

[Liban rơi vào khủng hoảng chính trị liên quan điều tra vụ nổ ở Beirut]

Để tìm hiểu sức mạnh thật sự của Hezbollah cần nhìn lại bối cảnh lịch sử. Hồi những năm 1970, nội chiến Liban nổ ra giữa lực lượng nổi dậy Thiên chúa giáo chống lại người Hồi giáo và người Druze (một tôn giáo độc thần với khoảng 800.000 tín đồ) và các nhóm người Palestine.

Vào thời điểm đó, Hezbollah chưa ra đời, mà chỉ có lực lượng nổi dậy người Hồi giáo dòng Shi’ite và phong trào Amal, đều là lực lượng nhỏ lẻ. Các nhóm Thiên chúa và Hồi giáo dòng Sunni đang thống trị Liban.

Sau khi Israel xâm lược Liban vào năm 1982 và các nhóm khủng bố Palestine rời khỏi đây, cuộc nội chiến tại Liban vẫn tiếp diễn. Người Syria cũng đã từng xâm lược Liban vào những năm 1970, trước khi một hiệp định do Saudi Arabia làm trung gian vào năm 1989 đã giúp kết thúc chiến tranh. Kết quả là quyền lực của người theo đạo Thiên chúa bị giảm sút cùng với cải cách bầu cử nghị viện. Tổng thống người Thiên chúa giáo bị suy yếu quyền lực, thủ tướng là phe Hồi giáo Sunni được thêm quyền, còn chủ tịch nghị viện sẽ là người Hồi giáo Shi’ite.

Tuy nhiên, sức mạnh của Hezbollah không phải nhờ vào người đứng đầu nghị viện mà là nhờ sau khi các lực lượng nổi dậy Sunni, Thiên chúa giáo và Druze thỏa thuận ngừng chiến vào năm 1989 và từ bỏ vũ khí, thì Hezbollah lại thu thập súng ống với tuyên bố là "kháng chiến chống Israel."

Sau khi Israel rời Liban năm 2000, Hezbollah vẫn giữ kho vũ khí được bổ sung rất nhiều của mình, đồng thời tuyên bố vì nhà nước Do Thái đang chiếm vài nghìn mét vuông đất ở biên giới nên cần lấy lại. Trên thực tế Hezbollah tính toán kiểm soát Liban. Lực lượng này đã ám sát cựu Thủ tướng Hồi giáo Sunni, Rafic Hariri, vào năm 2005.

Sau khi người dân biểu tình khiến Syria phải rời khỏi Liban, Hezbollah đã âm mưu tấn công Israel với sự hỗ trợ trực tiếp từ Iran. Tướng Iran Qasem Soleimani cùng với Nasrallah và Imad Mughniyeh đã tạo ra cuộc chiến năm 2006. Sau đó, lợi dụng hậu quả chiến tranh, Hezbollah tăng cường quyền lực thông qua việc tái xây dựng các công trình và nhà ở cũng như mạng lưới điện thoại và viễn thông.

Khi Quốc hội Liban ngăn chặn mạng viễn thông của Hezbollah, lực lượng này đã đánh chiếm các khu vực ở thủ đô Beirut vào năm 2008 và tăng cường lực lượng.

Trong thời gian ngắn, Hezbollah đã thành công trong việc ngăn không cho một tổng thống mới được bổ nhiệm, buộc những người theo đạo Thiên chúa phải đưa ra lựa chọn: từ bỏ quyền lực hoặc liên kết với lực lượng này. Michael Aoun đã chọn cách thứ hai và nhậm chức tổng thống.

Những người theo đạo Thiên chúa khác như Samir Geagea phản đối Michael Aoun và người Hồi giáo Sunni cũng không ưa Saad Hariri. Hezbollah đã ám sát một cách có hệ thống các đối thủ và trí thức như Lokman Slim. Họ cũng gửi quân sang Syria và nhờ đó mở rộng kho vũ khí từ 13.000 lên 150.000 rocket, tên lửa và máy bay không người lái. Hezbollah cũng gửi lực lượng đến Golan để chuẩn bị cho việc mở rộng cuộc chiến chống lại Israel.

Tất cả những điều trên cho thấy quyền lực thực sự của Hezbollah có được là thông qua việc kiểm soát quốc hội và tổng thống cũng như điều hành chính sách đối ngoại và quân sự của Liban. Hezbollah thậm chí còn nhập khẩu khí đốt. Tuy nhiên, lực lượng này không thể có tới 100.000 binh sỹ. Cộng đồng Shi’ite mà Hezbollah tìm cách lôi kéo vẫn bị chia rẽ. Để có 100.000 chiến binh sẽ cần vài triệu người Shi’ite ủng hộ, một con số quá lớn. Huấn luyện họ ở đâu? Nguồn tài chính nào?

Mặc dù con số 100.000 tay súng mà thủ lĩnh Nasrallah đưa ra chỉ là phóng đại, nhưng trên thực tế Hezbollah vẫn là một đội quân rất mạnh, có vũ khí dẫn đường chính xác, máy bay không người lái, boongke và mạng lưới liên lạc riêng. Lực lượng này điều hành mạng lưới buôn bán ma túy trên khắp thế giới, tích trữ amoni nitrat, tấn công nhiều thành phố. Vậy nguy cơ Hezbollah sẽ đẩy Liban vào một cuộc nội chiến là như thế nào?

Về vấn đề này, tờ Haaretz dẫn lời Tiến sỹ Shimon Shapira tại Trung tâm Công chúng Jerusalem, một chuyên gia về Liban và Hezbollah nhận định khả năng nội chiến tại Liban là còn khá xa. Con số chiến binh “khủng” mà Nasrallah đưa ra chủ yếu là nhằm gửi thông điệp tới các đối thủ rằng Hezbollah đã không còn là một “nhà nước trong nhà nước” mà đã phát triển thành một nhà nước riêng, có sức mạnh quân sự vượt quá cả Liban. Những hành vi gần đây của tổ chức này trong các cuộc biểu tình mới nhất tại Liban cho thấy Hezbollah chưa muốn gây ra một cuộc nội chiến.

Chuyên gia Shapira, tác giả của một cuốn sách vừa xuất bản viết về tam giác Hezbollah-Iran-Liban, nói: “Iran và Hezbollah vẫn theo đuổi chính sách chiến lược giống nhau. Họ tìm cách duy trì những thành quả đã đạt được, kiểm soát các hải cảng và gia tăng sức mạnh quân sự, ảnh hưởng trong các cơ quan an ninh và trong nghị viện. Nhưng họ thận trọng khi hoạt động trong các tổ chức hợp pháp, tránh không lật đổ chúng. Thảm họa ở cảng Beirut cho thấy bản chất của họ. Họ không muốn công chúng ủng hộ vị thẩm phán điều tra vụ này. Việc khoe khoang lực lượng là nhằm gạt ông ta ra một bên, không phải nhằm lật đổ hệ thống tư đang gắn kết các cơ quan nhà nước với nhau."

Chuyên gia Shapira cho rằng Hezbollah đang tìm cách xử lý khủng hoảng liên quan cuộc điều tra về vụ nổ tại cảng Beirut theo cách mà tổ chức này ngăn chặn cuộc điều tra liên quan đến vụ ám sát cựu Thủ tướng Liban Rafik Hariri năm 2005.

Ông nói: “Mọi việc đều phụ thuộc vào việc Hezbollah có duy trì là một lực lượng đối lập hay không. Họ đã chia rẽ thành công phe Thiên chúa giáo bằng cách liên minh chính trị với Tổng thống Michel Aoun. Thủ lĩnh Nasrallah cũng đang tìm cách thể hiện là nhà lãnh đạo của người Thiên chúa giáo chống lại ISIS và các lực lượng khác."

Với Israel, chuyên gia Shapira nhận định vấn đề Hezbollah không liên quan trực tiếp, vì vậy không cần can thiệp. Ông nói: “Đó là chuyện nội bộ của Liban. Điều đáng lo ngại là liệu khủng hoảng ở Beirut có lan xuống miền Nam hay không. Hiện tại, Hezbollah đang tìm cách khống chế việc này. Nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra - những gì diễn ra trên đường phố luôn có nguy cơ bùng nổ và mất kiểm soát”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục