Tăng cường quản lý hoạt động đưa khách Việt Nam ra nước ngoài

Thời gian qua, hiện tượng lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam.
Tăng cường quản lý hoạt động đưa khách Việt Nam ra nước ngoài ảnh 1Hình ảnh nhóm khách du lịch Việt Nam được camera an ninh ghi lại tại một khách sạn trước khi biến mất. (Nguồn: CNA)

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 28/12 cho biết Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng đã ký văn bản số 5897/BVHTTDL-TCDL gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường quản lý hoạt động tổ chức đưa khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Công văn nêu rõ thời gian qua, hiện tượng lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn khẩn trương thực hiện các giải pháp quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng nêu trên.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cần tập trung vào việc yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về kinh doanh đưa khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần kiểm tra, rà soát, các đối tượng khách trước khi nhận khách, thực hiện thủ tục thị thực xuất cảnh và tổ chức chương trình đi du lịch nước ngoài.

Doanh nghiệp cũng cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến du khách về các quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại, đồng thời cảnh báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của khách du lịch về hậu quả của việc xuất cảnh, cư trú, lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trước khi tổ chức chương trình du lịch cho khách.

Doanh nghiệp cần ký hợp đồng đầy đủ với khách và các đối tác cung cấp dịch vụ để đảm bảo quyền lợi của du khách và doanh nghiệp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần có biện pháp quản lý đoàn khách chặt chẽ trong quá trình tổ chức tour. Trong trường hợp nghi ngờ, phát hiện khách có dấu hiệu nhập cảnh trái phép, doanh nghiệp phải báo ngay cho cơ quan chức năng nước sở tại và Việt Nam để phối hợp giải quyết theo quy định.

[Vụ 152 du khách Việt bỏ trốn ở Đài Loan: 11 khách du lịch bị tạm giữ]

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh đưa khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế trên địa bàn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng cần triển khai các biện pháp tuyên truyền, phòng chống, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng du lịch để đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép.

Cùng ngày, Tổng cục Du lịch đã có văn bản số 1926/TCDL-LH gửi các doanh nghiệp lữ hành quốc tế về việc tổ chức tour cho khách đi du lịch Đài Loan.

Để phối hợp giải quyết vụ việc 152 khách Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan, Tổng cục Du lịch đã làm việc với Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội.

Hiện nay, phía Đài Loan đã tạm dừng cấp visa nhập cảnh theo chính sách Quan Hồng cho các đoàn khách đi du lịch Đài Loan qua các công ty lữ hành quốc tế Việt Nam được Cục Du lịch Đài Loan lựa chọn.

Các hình thức cấp visa thông thường và visa tiên tiến vẫn thực hiện như thường lệ. Khi có thông tin chính thức tiếp theo từ phía cơ quan chức năng Đài Loan, Tổng cục Du lịch sẽ có thông báo mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục