"Tất cả các Quyền con Người - cho tất cả mọi người"

Việc ứng cử và trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 đã cho quốc tế thấy một Việt Nam với chính sách nhất quán là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người.

"Tất cả các Quyền con Người - cho tất cả mọi người" ảnh 1Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. (Ảnh: TTXVN phát)

Vào 11h45 ngày 11/10 (22h45 cùng ngày theo giờ Việt Nam), tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ), hai tiếng “Việt Nam” đã được xướng lên khi Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Trước đó, Việt Nam đã được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này, đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.

Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các Quyền con Người-cho tất cả mọi người,” trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền ba năm sắp tới, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới-là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên hợp quốc.

[Quốc tế công nhận thành tựu đảm bảo quyền con người của Việt Nam]

Nhìn lại lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam đến cả quá trình xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, quan điểm con người là trung tâm của sự phát triển đã trở thành một định hướng chiến lược, một triết lý hành động xuyên suốt.

Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đều khẳng định: “Con người là vốn quý nhất. Chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta.”

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.”

Kể từ những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong lần đầu tiên tham gia Hội đồng Nhân quyền giai đoạn 2014-2016 đến nay, Việt Nam luôn bám sát mục tiêu xuyên suốt trên.

Việc ứng cử và trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 đã cho quốc tế thấy một Việt Nam với chính sách nhất quán là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người; mong muốn đóng góp tích cực, thiết thực hơn nữa vào các hoạt động của cơ quan quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc.

Điều này còn cho thấy sự tin tưởng của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam và vai trò, vị thế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Trước thông tin Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền, nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ cho lần ứng cử này của Việt Nam.

"Tất cả các Quyền con Người - cho tất cả mọi người" ảnh 2Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. (Ảnh: TTXVN phát)

Giáo sư Carl Thayer thuộc trường Đại học New South Wales (Australia) cho rằng Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực và thiết thực khi trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền bởi đây là quốc gia đang phát triển có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc; do đó, có thể đưa ra những lời khuyên thiết thực về chính sách trong các vấn đề phức tạp về nhân quyền khi được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền.

Đại sứ Palestine, ngài Saadi Salama, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam khẳng định Việt Nam mong muốn làm bạn của tất cả các quốc gia để khẳng định giá trị của quyền con người.

Việc Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 là cơ hội rất quan trọng đối với Việt Nam.

Thành công này của Việt Nam cũng chính là “đòn thích đáng” đập tan những luận điệu xuyên tạc, định kiến xấu về tình hình Việt Nam trước thềm diễn ra bỏ phiếu bầu Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 22/9, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, nêu rõ quan điểm trước một số thông tin sai sự thật, không khách quan về tình hình Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan với định kiến xấu mà một số tổ chức nước ngoài đã đưa ra về tình hình Việt Nam. Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan."

Cũng theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người trong thời gian vừa qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Mới đây nhất, tháng 3/2022, Việt Nam đã công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam tiếp nhận theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về Quyền con Người (gọi tắt là UPR chu kỳ III).

Điều này thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, cũng như đảm bảo sự nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện cam kết quốc tế về quyền con người nói chung.

Việt Nam luôn tích cực thể hiện tinh thần hợp tác với các thủ tục đặc biệt của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, đồng thời cũng thường xuyên duy trì các cơ chế đối thoại nhân quyền song phương với một số nước, sẵn sàng cung cấp, trao đổi các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau.

Đảm nhận trọng trách thành viên cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc ba năm tới, Việt Nam có cơ hội và đã sẵn sàng cho bạn bè quốc tế thấy một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; nỗ lực đóng góp tiếp theo sự thành công của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021.

Cùng với đó, khẳng định rõ, Việt Nam xứng đáng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, đập tan những luận điệu xuyên tạc, sai sự thật, không khách quan về tình hình Việt Nam, mang tới bạn bè quốc tế thông điệp về chủ trương xuyên suốt: “Lấy người dân là trung tâm, là động lực của phát triển”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục