Tàu vũ trụ không người lái có cuộc gặp gỡ lịch sử với sao chổi

Tàu thăm dò vũ trụ không người lái có tên Rosetta đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với một ngôi sao chổi sau 10 năm lang thang trên quãng đường dài 6 tỷ km trong Thái dương hệ.
Tàu vũ trụ không người lái có cuộc gặp gỡ lịch sử với sao chổi ảnh 1Tàu vũ trụ gặp sao chổi. (Nguồn: AFP)

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết tàu thăm dò vũ trụ không người lái có tên Rosetta đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với một ngôi sao chổi sau 10 năm lang thang trên quãng đường dài 6 tỷ km trong Thái dương hệ.

"Chúng tôi đã ở trong quỹ đạo của sao chổi," Sylvain Lodiot, giám đốc điều hành bay của tàu Rosetta tuyên bố qua truyền hình trực tiếp từ trạm kiểm soát ở Darmstadt (Đức).

 

Đây là lần đầu tiên một con tàu vũ trụ được gửi lên quỹ đạo của sao chổi - kẻ lang thang của Thái dương hệ mang theo bụi và băng đá sơ khai có thể giải thích sự hình thành của các hành tinh. Dự kiến tháng 11 tới, một robot phòng thí nghiệm khoa học có tên Philae sẽ đáp xuống bề mặt sao chổi này.

 

Cuộc gặp gỡ giữa tàu Rosetta và sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko được khẳng định vào hồi 9 giờ 29 GMT từ khoảng cách 400 triệu km so với Trái Đất dựa trên những tín hiệu mà các trạm mặt đất nhận được. Giám đốc ESA là Jean-Jacques Dordain cho biết đây là thành quả của 20 năm thiết kế, lắp ráp và phóng con tàu nặng 3 tấn này đi tìm một mục tiêu nhỏ bé trong vũ trụ bao la.

 

"Năm 2014 sẽ là năm của tàu Rosetta. Đây là một nhiệm vụ có một không hai, nó đặc biệt vì chính mục tiêu khoa học của mình. Hiểu được về nguồn gốc chính là cách tốt nhất để hiểu được tương lai của chúng ta," ông Dordain chia sẻ.

 

Trên trang Twitter của mình, tàu Rosetta đã cho đăng tải dòng chữ "Chào, sao chổi" bằng ngôn ngữ của 20 quốc gia thành viên ESA.

 

"Đây là một cuộc gặp gỡ lịch sử và cũng là đầu tiên trong giới khoa học. Cộng đồng vũ trụ quốc tế đã chờ đợi điều này suốt 1 thập kỷ qua," Jean-Yves Le Gall, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu vũ trụ quốc gia của Pháp (CNES) cho biết.

 

ESA đã công bố một bức hình cận cảnh một vật thể màu xám có mấu tự quay quanh mình mỗi 12 tiếng, trông khá giống một con vịt cao su. Trên bề mặt của nó có những vết rỗ, có thể là dấu vết của sự va chạm.

 

Matt Taylor, một nhà khoa học của dự án này cho biết, hình dạng đặc biệt của sao chổi này có thể là kết quả của việc hai sao chổi riêng biệt chập vào với nhau làm một, hoặc là một vật thể bị xói mòn mạnh mẽ qua thời gian.

 

Được phóng lên vũ trụ hồi tháng 3/2004, tàu Rosetta đã có 4 chuyến bay quanh sao Hỏa và Trái đất, sử dụng lực hấp dẫn của mình để tăng tốc độ nhằm bắt kịp với đối tượng cần theo dõi. Con tàu đã rơi vào trạng thái ngủ đông trong 31 tháng do ánh Mặt Trời ở quá xa và không đủ mạnh để vận hành các tấm pin mặt trời. Tình trạng này kết thúc hồi tháng 1 bằng một cuộc gọi đánh thức từ Trái đất.

 

Con tàu sau đó bắt đầu những chuỗi vận động phức tạp để giảm tốc độ bằng với tốc độ của sao chổi. Nếu có bất cứ sơ suất nào xảy ra trong quá trình này, con tàu sẽ để lỡ mất mục tiêu của mình.

 

Vận động cuối cùng của Rosetta trong vòng 6 phút 23 giây đã đưa con tàu vào quỹ đạo hình tam giác quanh sao chổi ở độ cao khoảng 100km. Từ đây Rosetta sẽ dần giảm độ cao, tiến vào quỹ đạo trọng lực của sao chổi trong tháng 9 để tìm nơi hạ cánh cho robot Philae.

 

Các nhà vật lý vũ trụ tin rằng sao chổi là tập hợp của băng đá và bụi vụ trụ xa xưa từ thời hình thành Thái dương hệ khoảng 4,6 tỷ năm trước. Những mảnh vụn của sao chổi cũng là những vật chất cổ và ít được biết tới nhất trong thiên hà. Hiểu biết về cấu tạo hóa học và kết cấu vật lý của sao chổi sẽ giúp chúng ta hiểu các hành tình hình thành như thế nào sau khi Mặt Trời xuất hiện.

 

Điều này cũng quyết định đến tính đúng đắn của một giả thuyết gọi là "pan-spermia", cho rằng việc các sao chổi va vào Trái đất mới hình thành đã mang đến nước và các phân tử hữu cơ quý giá giúp khởi động sự sống.

Ngôi sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko có đường kính 4km này đã quay lại quanh Mặt trời theo quỹ đạo hình quả trứng sau mỗi 6 năm rưỡi, nơi xa nhất nó từng đến là sao Mộc. Đầu năm tới, những tinh thể băng đá và bụi của nó sẽ bị sức nóng của Mặt trời bóc khỏi bề mặt, tạo thành cái đuôi của sao chổi. Tháng 8 năm sau, nó sẽ tới gần Mặt trời nhất, chỉ cách có 186 triệu km.

Nhiệm vụ của tàu Rosetta sẽ kết thúc vào tháng 12/2015 khi sao chổi có tên C-G quay lại Thái dương hệ. Rosetta sẽ chuyển hướng đuổi theo sao chổi này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục