'Tên lửa mới của Triều Tiên vẫn thiếu công nghệ cần thiết'

Giới chuyên gia Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng vẫn chưa thể hoàn thiện được kỹ thuật đưa tên lửa trở lại khí quyển, một yếu tố then chốt trong chương trình phát triển ICBM.
'Tên lửa mới của Triều Tiên vẫn thiếu công nghệ cần thiết' ảnh 1Một vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm Hwasong-12 của Triều Tiên ngày 14/5. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo Korea Herald, ngày 29/11, Triều Tiên đã tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hạng nặng và tấn công lãnh thổ Mỹ.

Báo Washington Post (Mỹ) cho rằng tên lửa này đã bay cao hơn 10 lần so với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Trên lý thuyết, điều này có nghĩa là thủ đô Washington của Mỹ nằm trong tầm bắn. Tuy nhiên, Washington Post dẫn lời một số nhà khoa học cho rằng sự cải thiện trong tầm bắn có thể là do tên lửa được trang bị đầu đạn giả với trọng lượng nhẹ. Tên lửa Triều Tiên có thể sẽ không đạt được tầm bắn như vậy nếu mang theo đầu đạn nặng hơn.

Tuy Triều Tiên không nói rõ về những tiến bộ kỹ thuật mà nước này đạt được, song giới chuyên gia Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng vẫn chưa thể hoàn thiện được kỹ thuật đưa tên lửa trở lại khí quyển, một yếu tố then chốt trong chương trình phát triển ICBM.

Giáo sư Kim Dong-yup của Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) cho rằng vụ thử nói trên là một nỗ lực kiểm tra và xác nhận các công nghệ tiên tiến của Triều Tiên. Tuy nhiên theo ông Kim, đây cũng có thể là một vụ kiểm tra toàn bộ trước khi Bình Nhưỡng tiến hành kế hoạch thả một quả bom nhiệt hạch (bom H) xuống Thái Bình Dương, như những gì Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho từng đề cập hồi tháng 9/2017.

Trong khi đó, giáo sư Yang Mu-jin tại Đại học Triều Tiên ở Seoul (Hàn Quốc) nhận định, mặc dù Bình Nhưỡng chưa hoàn thiện được công nghệ đưa tên lửa trở lại khí quyển, song nước này đã đạt được mục tiêu về tầm bắn tên lửa. Dựa trên quỹ đạo và quãng đường, tên lửa này dường như có tầm bắn khoảng từ 10.000 đến 11.000km, đủ để vươn tới lãnh thổ đất liền Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục