Thảm họa nhân đạo trong ''vũng lầy chính trị'' tại Syria

Cho đến nay, một nửa trong số 22 triệu người dân Syria trước cuộc xung đột năm 2011 đã rời bỏ quê hương, trong đó rất nhiều người tị nạn tại Idlib đang phải sống trong những điều kiện khắc khổ.
Thảm họa nhân đạo trong ''vũng lầy chính trị'' tại Syria ảnh 1Người tị nạn Syria tại một lán trại tạm bợ ở Kafr Lusin, tỉnh Idlib. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình cảnh của hơn 700.000 người Syria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong vài tuần gần đây đã thu hút được sự chú ý của truyền thông quốc tế, sau khi các lực lượng chính phủ Syria thắt chặt “thòng lọng” tại tỉnh Idlib, nơi được coi là “thành trì” cuối cùng của lực lượng phiến quân đối lập phía Tây Bắc nước này.

Cho đến nay, một nửa trong số 22 triệu người dân Syria trước cuộc xung đột năm 2011 đã rời bỏ quê hương, trong đó rất nhiều người tị nạn tại Idlib đang phải sống trong những điều kiện khắc khổ.

Vấn đề trú ngụ hiện trở thành nhu cầu cấp bách nhất của người dân tại Idlib trong mùa Đông lạnh giá, trong khi hàng hóa cứu trợ quốc tế ngày càng khó tiếp cận các khu vực của người tị nạn.

Theo bài bình luận trên mạng tin Arab News, đây thực sự là một thảm họa nhân đạo dưới vỏ bọc “vũng lầy địa chính trị” tại Syria.

[LHQ quan ngại người dân Syria ở tỉnh Idlib đang rơi vào thảm cảnh]

Cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này liên tục leo thang trong những ngày gần đây khi quân đội chính phủ Syria và lực lượng ủy nhiệm của Iran tấn công vào căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Idlib, khiến 13 binh sỹ của Ankara thiệt mạng.

Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các đợt pháo kích và tuyên bố “vô hiệu hóa” hàng chục binh sỹ của lực lượng chính quyền Damascus.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực mạnh tay để đẩy lùi lực lượng chính phủ Syria và sẵn sàng nhắm vào “bất kỳ mục tiêu nào” nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công lần nữa.

Tình hình bạo lực nghiêm trọng tại Syria đe dọa đẩy thêm hàng triệu người dân tháo chạy khỏi nước này, trong đó có đích tới là Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã tiếp nhận khoảng 3,5 triệu người tị nạn Syria.

Thảm họa nhân đạo trong ''vũng lầy chính trị'' tại Syria ảnh 2Người dân Syria sơ tán tránh chiến sự ở thị trấn Ras al-Ain, tỉnh Hasakeh (Syria). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, với sự hỗ trợ của Mỹ, Israel đang ngày càng mạnh dạn hơn trong việc tấn công vào các mục tiêu của Iran trên khắp Syria và Iraq.

Nguồn tin giấu tên tiết lộ, một số thành viên thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã thiệt mạng hồi tuần trước trong một cuộc không kích của Israel vào sân bay Damascus, với mục tiêu dường như nhắm vào máy bay vận chuyển khí tài của Iran cho chiến dịch quân sự Idlib của chính phủ Syria.

Đây chỉ là một trong hàng chục cuộc tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu của IRGC ở Syria trong những tuần gần đây.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng cho thấy sự sẵn sàng tăng cường hành động chống lại các cơ sở khu vực của IRGC sau vụ không kích ám sát Tướng Qasem Soleimani, tư lệnh đơn vị Quds thuộc IRGC hồi đầu năm nay.

Trong bối cảnh các lực lượng ủy nhiệm của Iran tại khu vực như phong trào Hezbollah tại Liban đang phải đối mặt với những sức ép tài chính nghiêm trọng do lệnh trừng phạt của Mỹ, áp lực quân sự không ngừng này chắc chắn sẽ làm xói mòn khả năng hậu thuẫn của Tehran cho các lực lượng ủy nhiệm nước ngoài.

Tại Syria, nhiều nhóm nhân quyền đã lên tiếng báo động về tình trạng “thanh lọc sắc tộc” diễn ra ở miền Đông Syria do các nhóm phiến quân vũ trang Arab thực hiện dưới sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi có chung “kẻ thù” là Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd và chính quyền Damascus có thể xích lại gần nhau hơn.

Mặc dù ủng hộ hai phe đối lập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cho đến nay vẫn tương đối thận trọng trong việc kiểm soát quỹ đạo ảnh hưởng của mình tại Syria.

Thỏa thuận Sochi năm 2018 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Erdogan đã vạch ra một khu vực phi quân sự ở Idlib, cung cấp vai trò giám sát cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Hai nhà lãnh đạo liên tục trao đổi qua các cuộc điện đàm sau những căng thẳng leo thang mới nhất tại Syria, đồng thời phía Nga đã cử một phái đoàn tới Ankara để tìm cách xoa dịu căng thẳng ở Idlib.

Trên thực tế, Nga có khả năng đóng vai trò quyết định trong việc thuyết phục Tổng thống Assad chấp nhận rằng kế hoạch kiểm soát khu vực Idlib sẽ rất tốn kém, nhất là khi Damascus khó có thể giành lại khu vực này từ các nhóm phiến quân đối lập nếu không có sự trợ giúp từ Nga.

Không có nhiều tín hiệu cho thấy Nga sẽ chờ đợi để thu lợi từ chiến dịch lâu dài và hao tiền tốn của này, và do đó Tổng thống Putin có thể sẽ đánh giá lại và ưu tiên mối quan hệ lợi ích với Ankara hơn. Tuy nhiên, hiện tất cả các thế lực đều đang tìm mọi cách để tối đa hóa lợi ích của mình ở Syria.

Đối với phương Tây, các nhà ngoại giao cần gây sức ép để các bên tại Syria hướng tới giải pháp giảm căng thẳng, nhất là khi Tổng thống Erdogan liên tục “bóng gió” về khả năng đẩy hàng triệu người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu.

Các quốc gia châu Âu phải ngừng “bỏ ngoài tai” những định kiến rằng cuộc chiến tại Syria không phải là chuyện của họ, ít nhất trên phương diện dòng người di cư, vấn đề chống khủng bố và tình trạng mất ổn định toàn khu vực.

Theo các số liệu thống kê, đã có ít nhất 600.000 người thiệt mạng từ hệ quả cuộc xung đột kéo dài suốt 9 năm qua tại Syria và con số thương vong này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bên cạnh đó, hàng triệu người khác đang sống lay lắt trong những vết thương tâm lý, nỗi thống khổ khi phải rời bỏ nhà cửa và cuộc sống không có tương lai.

Những nỗ lực tranh giành ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Israel và Iran đã để lại những “vết hằn đẫm máu” tại Syria và điều quan trọng nhất là cộng đồng quốc tế cần khẩn trương góp tiếng nói chấm dứt cuộc xung đột vô nghĩa này.

Cuộc khủng hoảng Syria chỉ có thể được giải quyết nếu người dân nước này vượt qua những chia rẽ và sẵn sàng nắm giữ vận mệnh của riêng mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục