Thành phố Hồ Chí Minh chủ động phát triển sản phẩm du lịch liên kết

Đến thời điểm này, ngành du lịch Thành phố Hồ chí Minh đã chủ động ký kết hợp tác phát triển du lịch với 52 tỉnh, thành phố thuộc 7 vùng trong cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh chủ động phát triển sản phẩm du lịch liên kết ảnh 1Xe buýt du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Tiếp nối thành công hoạt động liên kết khôi phục hoạt động du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động đẩy mạnh giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết với khu vực Tây Nguyên.

Chương trình kết nối, giao lưu giữa doanh nghiệp lữ hành Thành phố Hồ Chí Minh với đơn vị cung ứng dịch vụ khu vực Tây Nguyên (B2B) cũng được chính quyền các địa phương đồng hành kết nối.

Tạo đầu mối quản lý Nhà nước

Đến thời điểm này, ngành du lịch Thành phố Hồ chí Minh đã chủ động ký kết hợp tác phát triển du lịch với 52 tỉnh, thành phố thuộc 7 vùng trong cả nước. Qua đó, thành phố ngày càng phát huy hiệu quả vai trò đầu tàu của một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa đứng đầu của cả nước. Mặt khác, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với sự chủ động, sáng tạo, không chỉ đa dạng hóa chất lượng dịch vụ, thu hút khách du lịch, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của nhiều địa phương, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, giúp du lịch nhanh chóng phục hồi.

Vừa qua, tại Hội nghị “Bàn về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum," bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số nội dung trọng tâm.

Đó là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên phối hợp chỉ đạo những điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ khách du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực và tăng cường liên kết, hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng thu hút du khách.

[Khai mạc Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18]

Các sở, ngành du lịch các địa phương tham mưu chính sách và kêu gọi xây dựng đầu tư đa dạng dự án, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng du lịch địa phương, đáp ứng và đón được thị trường khách nhiều phân khúc khác nhau.

Theo bà Phan Thị Thắng, để đảm bảo mục tiêu phục hồi và phát triển ngành du lịch, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cũng là một trong những công tác cấp thiết hiện nay ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng hỗ trợ giảng viên, chuyên gia tham gia giảng dạy phong phú khóa bồi dưỡng cho đội ngũ lao động trực tiếp tại địa phương của các tỉnh Tây Nguyên.

Khi nguồn nhân lực đảm bảo mới có nền tảng thúc đẩy hoạt động liên kết vùng giữa các địa phương, tạo ra những sản phẩm chung phù hợp đối với khách du lịch để trải nghiệm “Một hành trình-nhiều điểm đến."

Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nguyên cũng cần tăng cường công tác khảo sát, kết nối cộng đồng doanh nghiệp lữ hành tại địa phương đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trọng điểm. Từ đó, doanh nghiệp cùng ngành du lịch các địa phương xây dựng những sản phẩm đơn tuyến, đa tuyến theo các trục tuyến chính, đảm bảo phát huy thế mạnh sản phẩm liên tuyến.

Ngược lại, tập trung khai thác một số hoạt động kết nối, giao thương giữa doanh nghiệp lữ hành từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ... hướng đến phong phú sản phẩm, dịch vụ du lịch đến khu vực Tây Nguyên.

Liên kết khai thác du lịch bản địa

Thực tế tiềm năng du lịch khu vực Tây Nguyên cho thấy nhiều địa phương có sức hút và khả năng khai thác sản phẩm, dịch vụ mang tính bản địa, khác biệt độc đáo rất lớn. Tây Nguyên là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước với những nét đặc trưng riêng của các điều kiện tự nhiên và những giá trị bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa… có thể tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.

Thành phố Hồ Chí Minh chủ động phát triển sản phẩm du lịch liên kết ảnh 2Du khách chụp ảnh kỷ niệm với voi tại khu du lịch Hồ Lắk. (Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh/TTXVN)

Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, núi, cao nguyên, sông suối, thác nước, hồ… và cả hệ động thực vật hết sức phong phú, trong đó có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Điển hình, tại tỉnh Đắk Lắk có thể kể đến những địa điểm như Nhà Đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đắk Lắk, Bảo tàng Thế giới Càphê và Khu Du lịch Sinh thái, Văn hóa cộng đồng Ko Tam, kiến trúc nhà sàn đồng bào Êđê tại buôn Ako Dhông.

Tại Gia Lai có thác Dray Nur có thể phát triển xe ôtô địa hình từ thác Dray Nur-Dray Sáp Thượng; tuyến du lịch 3km dọc sông Sêrêpôk (từ Dray Sáp Thượng về Dray Nur) bằng thuyền cao su (kayak); tham quan Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-Vườn Di sản ASEAN, vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng. Tỉnh Kon Tum có vườn Sâm tại Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy xã Măng Ri và Măng Đen...

Theo ông Y Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum, xác định được lợi thế và tiềm năng du lịch trên địa bàn tỉnh, Kon Tum đã triển khai đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch chất lượng cao, thu hút nhà đầu tư chiến lược. Hiện tại, Kon Tum đã hình thành những khu du lịch phức hợp cao cấp, dự án du lịch quy mô lớn, trung tâm thương mại... làm thay đổi diện mạo đô thị và ngành du lịch.

Tuy vậy, sự phát triển du lịch tại địa phương còn gặp khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh nên Tỉnh ủy đã ban hành "Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2023, định hướng đến năm 2030." Tỉnh Kon Tum mong muốn ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương quan tâm phối hợp hiệu quả trong liên kết vùng, cộng đồng doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư... Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kịp thời để các địa phương bạn, doanh nghiệp, nhà đầu tư khai thác tiềm năng, đưa du lịch Kon Tum phát triển bền vững và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh có thể kết nối đường bộ và đường không thuận tiện đến các tỉnh Tây Nguyên. Với những tiềm năng sẵn có và trên tinh thần liên kết hợp tác vùng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum chia sẻ kinh nghiệm về quản trị các tình huống trong quản lý du lịch; phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp các địa phương để triển khai các hoạt động liên kết hợp tác...

Về hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông việc tái khởi động ngành du lịch với thông điệp “Du lịch an toàn,” “An toàn trong từng trải nghiệm”...

Những chương trình hành động cụ thể gồm tăng cường công tác quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360 Thành phố Hồ Chí Minh, các trang mạng xã hội giữa các địa phương...; hỗ trợ lẫn nhau quảng bá những sự kiện du lịch của mỗi địa phương đăng cai tổ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục