Tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục

Trong thời gian qua, ngành giáo dục đã đạt nhiều thành quả tích cực trong chuyển đổi số. Những vướng mắc trong quá trình triển khai tiếp tục được nhận diện để tháo gỡ, nhằm thực hiện tốt hơn nữa.
Tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục ảnh 1Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hàng trăm đại biểu đại diện cho 63 tỉnh, thành trên cả nước và các doanh nghiệp cung cấp phần mềm giáo dục đã cùng tham dự Hội thảo về chuyển đổi số trong giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 20/12, tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng triển khai công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đồng thời quán triệt phương hướng triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Hội thảo cũng là cơ hội Bộ Giáo dục và Đạo tạo nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực tế triển khai ở các địa phương, từ đó có những giải pháp tháo gỡ phù hợp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số trong ngành.  

Số hóa dữ liệu gần 25,5 triệu giáo viên, học sinh

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng và ngành giáo dục và đào tạo nói chung đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông, tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở giáo dục và đào tạo, 710 phòng giáo dục và đào tạo. Dữ liệu bao gồm các cấu phần cơ sở thành phần như trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính…. Qua đó đã số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh và hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với Cơ sở dữ liệu Quốc gia Quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý). Qua đó đã kết nối, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên (đạt 95%) và gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%).

Bên cạnh đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, xây dựng hệ thống học liệu điện tử với hơn 7.000 bài giảng…

Gỡ những nút thắt

Dù đã có nhiều nỗ lực và đạt những kết quả tích cực trong thời gian qua nhưng do chuyển đây vẫn là vấn đề mới nên tại hội thảo, các đại biểu đến từ các địa phương đã chỉ ra nhiều bất cập, vướng mắc trong thực tế triển khai.

Tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục ảnh 2Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Cụ thể như việc chưa hoàn thiện về hành lang pháp lý, chưa có sự phối hợp thống nhất giữa kế hoạch triển khai của bộ và các sở giáo dục và đào tạo, các phần mềm còn chồng chéo…Các sở giáo dục và đào tạo cũng bày tỏ sự lúng túng trong các vấn đề liên quan như sử dụng chữ ký điện tử, số hóa học bạ, kết nối dữ liệu, lựa chọn phần mềm, việc chuyển trường của giáo viên và học sinh…

[Chuyển đổi nhận thức nhằm xây dựng hệ sinh thái giáo dục số]

Chia sẻ với băn khoăn của các địa phương, phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Hoàng Minh Sơn cho hay các vấn đề về chuyển trường của học sinh và giáo viên, vấn đề chữ ký điện tử, bộ sẽ có hướng dẫn và phải hoàn chỉnh trong năm nay.

Trong năm 2023, ngành giáo dục tập trung xây dựng hoàn chỉnh dữ liệu vì đây là vấn đề quan trọng nhất trong chuyển đổi số. “Dữ liệu phải gắn bó chặt chẽ với quy trình, cập nhật thường xuyên, đầy đủ, thống nhất chứ không phải chỉ cập nhật dữ liệu theo thời điểm để báo cáo,” Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch và sẽ sớm xây dựng phần mềm quản lý, quy trình trình cơ bản. Bộ cũng sẽ hoàn thiện về hành lang pháp lý và tiếp tục xây dựng kho học liệu cho các cấp học để làm cơ sở cho học sinh có thể tự học, thầy cô có thể tham khảo.

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số hiện nay, công nghệ số thúc đẩy nền giáo dục mở, thu hẹp khoảng cách vùng miền, quốc gia trong tiếp cận giáo dục, giúp mọi người dễ dàng học tập mọi lúc, mọi nơi, học tập theo điều kiện, sở thích và mong muốn.

Chuyển đổi số giúp việc quản lý giáo dục khoa học và minh bạch hơn. Các cơ sở dữ liệu ngành, công nghệ dữ liệu lớn giúp công tác dự báo chính xác hơn, việc ban hành và thực thi chính sách giáo dục hiệu quả hơn.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tạo đột phá trong đổi mới giáo dục và đào tạo, tác động tích cực và toàn diện tới phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả và công bằng trong giáo dục./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục