Thầy hiệu trưởng tâm tài của ngôi trường "ngói rơi trúng người"

Từ một ngôi trường dột nát, học sinh nơm nớp sợ ngói rơi vào đầu, nhờ tâm huyết của thầy hiệu trưởng Trần Hữu Lộc, cơ sở vật chất của trường đã an toàn, khang trang, tiếng chuông học tập vang xa...
Thầy hiệu trưởng tâm tài của ngôi trường "ngói rơi trúng người" ảnh 1Thầy hiệu trưởng Trần Hữu Lộc đánh trống khai giảng năm học. (Ảnh: Hồng Điệp/Vietnam+)

Từ ngày có hiệu trưởng mới, ngôi trường Trung học cơ sở Trần Khánh Dư, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, thay đổi hoàn toàn. Trường có diện mạo xanh, đẹp và thu hút nhiều học sinh đi học hơn. Với các em học sinh là người dân tộc thiểu số, việc đến trường đã trở thành niềm vui. Đây là công sức, đóng góp to lớn của thầy Hiệu trưởng Trần Hữu Lộc cùng toàn thể giáo viên trong công tác "trồng người."

Thầy Trần Hữu Lộc sinh năm 1969 tại mảnh đất Kon Tum đầy nắng và gió. Năm 1989 ra trường, với nhiệt huyết mang cái chữ đến cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi thầy sinh ra và lớn lên, thầy Lộc xung phong đi dạy các trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh rồi trở về làm lãnh đạo các trường trong thành phố Kon Tum.

Từ ngôi trường "ngói rơi trúng người"...

Thầy Lộc nhớ lại thời gian đầu về trường, năm 2012, nhận công tác là hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Khánh Dư, nhìn ngôi trường thuộc diện khó khăn của thành phố mà thầy xót xa khi giáo viên không dám vào đứng lớp vì sợ ngói rơi vào đầu, học sinh thì nhốn nháo bởi lâu lâu lại nghe tiếng rơi vỡ của ngói. Đã có trường hợp ngói trên mái nhà rơi trúng vào người khi giáo viên đang giảng bài.

Trăn trở, thầy Lộc xắn tay, huy động nhân lực của cả trường từ giáo viên đến học sinh leo lên lợp lại mái trường dột nát để đảm bảo tính mạng cho học sinh và giáo viên. Lợp xong mái, các thầy cô sơn lại tường, bắt đèn chiếu sáng, may rèm cửa, sửa lại bàn ghế... Giờ đây, bàn ghế chắc chắn, lớp học an toàn, sạch sẽ, khang trang.

Thầy Trần Hữu Lộc tâm sự 27 năm từ khi còn là giáo viên đến lúc làm lãnh đạo, thầy vẫn luôn canh cánh một nỗi niềm là làm sao dạy học sinh nên người, làm người, giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc, bản sắc văn hóa vùng miền.

Với nỗ lực của cả giáo viên và học sinh toàn trường, mục tiêu ấy đang dần được hoàn thiện. Thầy Lộc mong muốn Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các trường nghèo, trường vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học, làm sao thu hẹp khoảng cách vùng miền để con em đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện học tốt hơn, mang kiến thức về phát triển địa phương và đất nước.

Lúc đầu, sân trường chỉ có một vài cây xanh không được chăm sóc nên cành xơ xác lá, thầy Lộc đi xin những cây hoa héo, những cây cảnh người dân xung quanh không dùng nữa đem về chăm bón. Giáo viên, học sinh thấy thế cũng cùng thầy vun xới, chăm sóc vườn hoa của trường. Nhìn vườn hoa trong khuôn viên trường như một công viên thu nhỏ, phía cổng ra vào có cả một hàng cây sim mang giống tận Măng Đen (huyện Kon Plong) về trồng, những con bướm, con ve, cào cào, chuông gió được học sinh làm bằng vỏ trái dừa, tre nứa, treo đầy trên các cây bóng mát rất sinh động. Phòng truyền thống trưng bày các tượng gỗ, hình nộm rơm, những tác phẩm tranh vẽ, mái nhà rông, con trâu con bò làm bằng gỗ rất điệu nghệ của học sinh từ các buổi học kỹ năng sống trong trường.

Với thầy Lộc, giáo dục nhân cách học sinh là nhiệm vụ cao cả, thể hiện trong câu trả lời của thầy khi ban phụ huynh học sinh có ý kiến về việc tại sao thầy không đuổi học những học sinh cá biệt, quậy phá, lười học.

Câu trả lời của thầy như lời động viên tinh thần đội ngũ giáo viên của trường phải cố gắng hơn: "Các thầy cô cũng như quý phụ huynh, muốn con mình cầm cây bút, quyển vở đi học chứ nếu đuổi học các em, vô hình trung dẫn các em đến việc cầm dao, mã tấu đánh nhau, gây án. Vậy cứ để các em đến trường học, các thầy cô giáo sẽ có trách nhiệm giáo dục các em thành người tốt cho xã hội."

Còn đối với học sinh yếu kém, thầy cho làm bài kiểm tra lại nhiều lần, đến lúc nào đủ điểm 5 mới cho qua môn đó. Với nụ cười hiền hậu, thầy thắc mắc tại sao đại học, cao đẳng thi rớt có quyền thi lại nhiều lần mà học sinh trung học cơ sở thì không. Đó là những lời tâm sự chân thành của nhà giáo tâm huyết, người lãnh đạo tài năng.


...đến "Tiếng chuông học tập" vang xa

Trường đi vào hoạt động ổn định là lúc thầy Lộc có thời gian chuẩn bị những đề án của mình. Năm 2012, thầy đã triển khai thành công Đề án “Tiếng chuông học tập” tại thôn Kon Rờ Bàng 1&2, xã Vinh Quang, với mục đích xây dựng thói quen học tập ở nhà của học sinh dân tộc thiểu số. Đề án được thực hiện từ năm 2012 cho đến nay, giúp giảm thiểu tối đa tình trạng chây lười, bỏ học giữa chừng, tạo thói quen tự học ở nhà cho học sinh trong trường, góp phần ổn định chất lượng dạy và học tại địa phương.

Thầy hiệu trưởng tâm tài của ngôi trường "ngói rơi trúng người" ảnh 2Dãy phòng học của Trường Trung học cơ sở Trần Khánh Dư. (Ảnh: Hồng Điệp/Vietnam+)

Không ngừng sáng tạo đổi mới, thầy Lộc biến tấu giờ chào cờ mỗi sáng thứ 2 đầu tuần thành buổi bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh với nhiều đề tài: Tìm hiểu về lịch sử tỉnh Kon Tum, về các ngày lễ lớn trong năm, về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh... giúp học sinh nâng cao kiến thức lịch sử, xã hội.

Bên cạnh đó, trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề như “Phiên chợ quê” (năm 2014) - phiên chợ đầu tiên trong ngành giáo dục tỉnh Kon Tum với chủ đề tìm hiểu ẩm thực, văn hóa các vùng, miền Việt Nam.

Phiên chợ giúp học sinh hiểu được văn hóa 3 miền Bắc, Trung, Nam qua các quầy đặc sản ẩm thực; các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc văn hóa vùng, miền, giúp học sinh hiểu thêm về sinh hoạt, phong tục tập quán các vùng, miền trên đất nước Việt Nam. Dự kiến năm nay "Phiên chợ quê" sẽ tiếp tục được tổ chức tại trường vào ngày 19/11/2016 tới.

Trường Trung học cơ sở Trần Khánh Dư có đông học sinh là người dân tộc thiểu số (chiếm 72%), chủ yếu là dân tộc Ba Na. Với quan niệm thu hút các em đến trường bằng văn hóa bản địa, thầy Lộc đã tổ chức các cuộc thi cồng, chiêng giữa các khối lớp, vận động bà con thôn làng cho học sinh mượn bộ cồng, chiêng của làng, chung tay cùng chính quyền địa phương có các hình thức khen thưởng, khuyến khích các em tham gia luyện tập.

Thầy hiệu trưởng tâm tài của ngôi trường "ngói rơi trúng người" ảnh 3Thầy hiệu trưởng Trần Hữu Lộc chăm sóc các chậu sen trong trường. (Ảnh: Hồng Điệp/Vietnam+)

Thầy Lộc phải gặp gỡ, tuyên truyền, phân tích cùng già làng, trưởng bản, người có uy tín trong thôn, làng về việc bảo tồn văn hóa cồng, chiêng, múa xoang... là bản sắc văn hóa dân tộc cần được giữ gìn, lưu truyền. Từ đó, lòng tự tôn dân tộc được tôn vinh, người già chỉ bảo cho lớp trẻ thực hiện, nhà trường được người dân trong thôn làng yêu mến, cho mượn các bộ cồng, chiêng để các em luyện tập. Nhà trường và buôn làng ngày càng gắn kết nên các nghệ nhân đã cùng thầy cô giáo trong trường dạy học sinh những bài chiêng, xoang truyền thống, sáng tác những bản nhạc mới ca ngợi thầy cô, buôn làng, đất nước…

Cứ thứ Bảy, Chủ nhật, tại mái nhà rông thôn Kon Rờ Bàng 2 lại nhộn nhịp tiếng cồng, chiêng và các hoạt động múa xoang, hát dân ca Ba Na của học sinh Trường Trung học cơ sở Trần Khánh Dư cùng bà con trong thôn làng. Tiếng cồng, chiêng, điệu múa xoang vang khắp các nhà, tác động đến mọi người trong làng, ký ức một thời xa xưa vọng về...

Nhà nhà phấn khởi, người người phấn khởi, người đi tập, người đến xem, buôn làng những ngày cuối tuần như ngày hội. Với sự kiên trì tập luyện của thầy và trò, sáng tạo trong việc dạy và sáng tác của các nghệ nhân, trường đã tổ chức được 8 đội cồng, chiêng ở các khối lớp và 2 đội cồng chiêng múa xoang (80 em) chung cho làng Kon Hơ Ngo Kơ Tu và Kon Rờ Bàng 1&2, đã tham gia nhiều lần hội thi, liên hoan cồng chiêng do Phòng Giáo dục Kon Tum tổ chức và đạt nhiều giải thưởng.

Đây là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong một trường trung học cơ sở có nhiều đội cồng chiêng, múa xoang. Đó là thành quả sau thời gian dài cố gắng không mệt mỏi của toàn bộ giáo viên, học sinh, nhân dân, nghệ nhân ở các làng Kon Hơ Ngo Kơ Tu và Kon Rờ Bàng 1&2; góp phần vào việc bảo tồn và duy trì không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại.

Những đóng góp của thầy Lộc đã đưa ngôi trường nghèo Trần Khánh Dư trở nên đẹp đẽ xanh mát, thầy và trò yêu thương nhau như một gia đình. Trường hôm nay là nơi thu hút học sinh thay vì phải đi vận động các em đến trường vào mùa khai giảng như những năm trước.

Nói về thành tích của mình, thầy Lộc xua tay: "Tâm huyết của nghề giáo đâu cần ai biết đến và khen thưởng. Tôi chỉ làm với cái tâm của một giáo viên, bản thân mình muốn ngôi nhà mình, đứa con mình tốt đẹp thế nào thì nên đối xử với ngôi trường và học sinh của mình như thế ấy!”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục