Thi Đại học: Vẫn có ngưỡng điểm nhưng không đơn nhất

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ chưa bao giờ có quan điểm cho rằng sẽ bỏ quy định về ngưỡng chất lượng đầu vào (điểm sàn).
Thi Đại học: Vẫn có ngưỡng điểm nhưng không đơn nhất ảnh 1Ông Mai Văn Trinh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo Phương hướng tuyển sinh 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi đại học, cao đẳng năm nay vẫn có ngưỡng điểm đầu vào trong khi trước đó, Bộ có thông tin về việc tìm phương án làm ngưỡng tối thiểu thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

-Tại cuộc họp báo ngày 25/2/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công bố thông tin về việc trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014, Bộ sẽ xác định các tiêu chí mới cho ngưỡng tối thiểu thay vì tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như trước đây. Còn trong phương hướng thi năm 2014 công bố ngày 14/3, Bộ lại nêu quy định “điểm trúng tuyển chưa nhân hệ số của các trường không được thấp hơn điểm quy định đảm bảo chất lượng đầu vào.”

Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

Ông Mai Văn Trinh: Bộ chưa bao giờ có quan điểm cho rằng sẽ bỏ quy định về ngưỡng chất lượng đầu vào (từ 2013 trở về trước gọi là điểm sàn). Ngưỡng chất lượng này phải duy trì để đảm bảo chất lượng đầu vào các cơ sở giáo dục đại học và để phân luồng học sinh (vào trường trung cấp, cao đẳng, đại học).

Ngay từ buổi họp báo ngày 25/2, Bộ cũng đã khẳng định điều này. Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông đã đưa tin chưa thật đầy đủ về những nội dung liên quan đến “điểm sàn,” cho rằng Bộ sẽ bỏ điểm sàn và không cung cấp thông tin về việc Bộ sẽ xây dựng cách tính "ngưỡng" chất lượng đầu vào mới. Đối với kỳ thi chung, “ngưỡng” được xác định trên cơ sở kết quả thi được thể hiện bằng điểm thi.

- Nhiều năm gần đây, năm nào cũng có ý kiến đề nghị Bộ bỏ điểm sàn, nhất là từ các trường khó tuyển. Tại sao năm nay Bộ lại quyết định tìm hướng xác định điểm sàn mới? Có phải vì sức ép dư luận và vì để cứu trường khó tuyển?

Ông Mai Văn Trinh: Cách xác định “điểm sàn” như trước đây chưa đáp ứng được tính đa dạng của các ngành đào tạo, cũng như đặc thù của các cơ sở giáo dục đại học. Các trường có các hướng đào tạo khác nhau vào mỗi ngành đào tạo cũng có những đặc thù riêng nhưng lại tuyển sinh theo một tiêu chí chung, điều này cũng giống như việc mỗi người có một cỡ chân nhưng tất cả phải đi chung một số giày.

Do vậy, để đổi mới tuyển sinh cần có cách xác định “điểm sàn” mới linh hoạt, mềm dẻo hơn, phù hợp với các loại hình trường, ngành đào tạo cũng như mục tiêu đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, giúp các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh nhưng vẫn bảo đảm chất lượng nguồn tuyển.

Thi Đại học: Vẫn có ngưỡng điểm nhưng không đơn nhất ảnh 2Thí sinh làm thủ tục dự thi đại học năm 2013. (Ảnh: TTXVN)

- Điểm sàn, ngưỡng tối thiểu là điều rất được xã hội, nhất là thí sinh và các trường quan tâm vì nó có vai trò quan trọng trong kỳ thi thi đại học, trong việc quyết định đỗ, trượt đại học của người học và việc tuyển sinh của các trường. Ông có thể cho biết ngưỡng tối thiểu mới sẽ được Bộ xây dựng theo hướng như thế nào? Tại sao?

Ông Mai Văn Trinh: Đối với kỳ thi chung, ngưỡng tổi thiểu sẽ được xác định dựa trên kết quả thi thể hiện qua điểm thi. Tuy nhiên, ngưỡng chất lượng đầu vào sẽ không chỉ là một tiêu chí đơn nhất như cách tính điểm sàn trước kia mà sẽ là một bộ tiêu chí để đảm bảo đáp ứng được tính đa dạng về loại hình trường, ngành đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học và đặc thù riêng của từng nhóm trường đại học, cao đẳng.

- Bộ có thể cho biết đến thời điểm này, Bộ đã chuẩn bị cho việc xác định ngưỡng tối thiểu mới như thế nào? Khi nào thì Bộ công bố dự kiến cho ngưỡng này?

Ông Mai Văn Trinh: Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động đề xuất, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các trường đại học, cao đẳng để đưa ra dự thảo phương án cách xác định “điểm sàn” mới. Bộ sẽ sớm đưa dự thảo các phương án để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ sở giáo dục đại học và xã hội làm cơ sở để Bộ quyết định cách xác định “điểm sàn” mới phù hợp.

    

- Thí sinh khá sốt ruột và lo lắng khi ngày mai các em đã bắt đầu nộp hồ sơ nhưng đến thời điểm này, những thông tin mới và quan trọng về kỳ thi vẫn chưa được công bố, ngưỡng tối thiểu vẫn còn bỏ ngỏ. Ông có lời khuyên, nhắn nhủ gì để các em vững tâm?

Ông Mai Văn Trinh: Hiện nay, các văn bản liên quan đến tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy bao gồm: Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và Phương hướng nhiệm vụ tuyển sinh năm 2014 đã được ban hành. Cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014" cũng đã được xuất bản và phát hành. Như vậy cho đến trước thời điểm thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ (17/3), tất cả các thông tin liên quan đến kỳ thi đã được công bố.

Cũng như mức điểm sàn trước kia, “ngưỡng” bảo đảm chất lượng đầu vào chỉ được công bố chi tiết sau khi các trường chấm thi xong và có kết quả gửi về Bộ.

Như đã nói ở trên, việc đưa ra cách xác định điểm sàn mới nhằm tạo sự thuận lợi cho các trường trong tuyển sinh, đồng thời đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Do đó, cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng của các thí sinh sẽ cao hơn. Trước hết, các em cần lựa chọn ngành, trường đại học, cao đẳng để dự thi sao cho phù hợp với năng lực, sở trường của mình, tìm hiểu kỹ hình thức tuyển sinh của các trường và yên tâm, nỗ lực học, ôn tập để đạt kết quả tốt. Mọi đổi mới liên quan đến kỳ thi đều không làm khó học sinh mà nhằm tạo thuận lợi tốt hơn cho các thí sinh./

-Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục