Thí điểm đổi mới Đại học Tài chính-Marketing và Đại học Hà Nội

Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của hai trường nhằm phát huy tính tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo đại học.
Thí điểm đổi mới Đại học Tài chính-Marketing và Đại học Hà Nội ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 377/QĐ-TTg và Quyết định số 378/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tài chính-Marketing và Trường Đại học Hà Nội giai đoạn 2015-2017.

Theo đó, trường Đại học Tài chính-Marketing là trường trực thuộc Bộ Tài chính. Mục tiêu của Đề án nhằm phát huy tính tự chủ của trường về chuyên môn, bộ máy, tài chính nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, huy động nguồn lực xã hội; đồng thời bảo đảm con em các đối tượng chính sách, hộ nghèo có cơ hội tiếp cận với dịch vụ giáo dục chất lượng cao.

Trường được chủ động mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ phù hợp với điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của Trường, đáp ứng nhu cầu xã hội; mở các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ theo nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo quy định để bảo đảm chất lượng đào tạo; tự chủ tuyển sinh phù hợp với yêu cầu đổi mới công tác tuyển sinh và yêu cầu của xã hội; tự chủ trong nghiên cứu khoa học; xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và xét chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; tự chủ liên kết đào tạo (có cấp bằng), nghiên cứu khoa học, công nghệ và triển khai với đối tác trong nước và quốc tế.

Về tổ chức bộ máy, nhân sự, trường quyết định và chịu trách nhiệm về việc thành lập mới, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị trực thuộc; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các đơn vị trực thuộc bảo đảm phát huy hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Quyết định số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng trên cơ sở quy chế và chủ trương được Hội đồng trường thông qua, phù hợp với yêu cầu phát triển của Trường; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật...

Trường thu học phí ổn định theo kế hoạch. Cụ thể, mức thu học phí bình quân tối đa đối với đại học chính quy (chương trình đại trà) năm 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/người học/năm, năm 2016-2017 là 16,5 triệu đồng/người học/năm.

Mức thu học phí đang áp dụng trong năm học 2014-2015 được giữ nguyên để bảo đảm toàn bộ các nội dung chi thường xuyên và một phần nguồn kinh phí phục vụ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất của trường.

Trường thực hiện tính toán và công khai mức thu học phí cụ thể cho từng nhóm ngành, nghề, chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh, bảo đảm mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà) không vượt quá mức thu học phí bình quân tối đa của trường theo quy định.

Ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước, trường được quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi theo Quy chế chi tiêu nội bộ, trên cơ sở công bằng, công khai, minh bạch.

Với trường Đại học Hà Nội, mục tiêu chung của đề án là trường chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường một cách toàn diện, hướng tới mô hình trường đại học đa ngành, hội nhập quốc tế; đồng thời, bảo đảm sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo của trường.

Cụ thể, Đề án sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm cho người học được đào tạo đạt chuẩn đầu ra theo cam kết được công bố của Trường; được tiếp cận việc ứng dụng khoa học công nghệ.

Trường phát triển chương trình đào tạo theo chương trình của các trường đại học có uy tín trên thế giới, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội; phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý, phù hợp với các nguồn lực của trường; chú trọng đào tạo các chương trình chất lượng cao và theo đặt hàng.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để hội nhập giáo dục đại học sâu rộng; cải cách quy trình, thủ tục và áp dụng công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý chất lượng nhằm nâng cao năng lực quản trị của Trường; tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học tập tại trường...

Để thực hiện được các mục tiêu trên, trường sẽ đổi mới về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính; chính sách học bổng, miễn giảm học phí...

Trong đó, trường sẽ mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển của trường; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định; từng bước được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận; liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và ngoài nước; tổ chức thực hiện các chương trình liên kết đào tạo; khuyến khích việc ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học gắn với thị trường và nhu cầu xã hội...

Về tài chính, trường thu học phí ổn định theo kế hoạch nêu trong Đề án với mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa năm học 2014-2015 là 7,8 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2015-2016 tăng lên 12 triệu đồng/sinh viên/năm và đến năm học 2016-2017 là 14 triệu đồng/sinh viên/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục