Thi THPT quốc gia 2018: Bố mẹ không áp lực, con làm bài tốt hơn

Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus cho thấy, tại các điểm thi, nhiều thí sinh chia sẻ vẫn đang “nín thở”, hồi hộp chờ ngày thi đến, nhưng không quá lo lắng và căng thẳng.
Thi THPT quốc gia 2018: Bố mẹ không áp lực, con làm bài tốt hơn ảnh 1Thí sinh nghe cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Chiều nay, ngày 24/6, hơn 900.000 thí sinh trên cả nước đã đến các điểm thi để làm thủ tục dự thi trung học phổ thông quốc gia để chuẩn bị cho buổi thi đầu tiên vào sáng mai, ngày 25/6.

Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus cho thấy, tại các điểm thi, áp lực tâm lý của thí sinh năm nay đã giảm khá nhiều so với những năm trước đây. Nhiều thí sinh chia sẻ vẫn đang “nín thở”, hồi hộp chờ ngày thi đến, nhưng không quá lo lắng và căng thẳng.

Cứ nghĩ chỉ là thi thử

Thí sinh Đinh Thùy Linh, lớp 12D6, trường Trung học phổ thông Việt Đức, tỏ ra khá thoải mái trước kỳ thi. Linh cho biết những ngày qua, em đã rất nỗ lực để ôn tập kiến thức. Em học từ 7 đến 8 tiếng một ngày liên tục trong một tháng trước thi. Buổi tối em sẽ thức đến khoảng 12 giờ đêm nhưng buổi sáng em thường dậy sớm để ôn bài.

Cô học trò nhỏ vui vẻ bật mí về bí quyết để có thể giữa tâm lý bình tĩnh trước kỳ thi: “Tất nhiên là em cũng hơi hồi hộp một chút nhưng em cứ nghĩ đây chỉ là thi thử thôi để bớt căng thẳng.”

Một chút lo lắng và hồi hộp cũng là tâm trạng của thí sinh Thái Gia Bảo, đến từ Trường Trung học phổ thông Văn Hiến. Cậu thí sinh dành khá nhiều thời gian cho môn Toán với thời lượng ba ngày trong tuần. “Thứ Hai, Tư, Sáu em học Toán, những ngày còn lại em học Văn và Ngoại ngữ. Em cũng đã ôn tập kha khá nên em mong là em sẽ làm tốt bài thi vào ngày mai,” Bảo chia sẻ.

[Thời tiết diễn biến phức tạp dịp thi trung học phổ thông quốc gia]

Dự thi vào đại học theo tổ hợp môn khối D gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Bảo cho biết em chọn bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội để xét công nhận tốt nghiệp. “Các môn xã hội thì thường có nhiều kiến thức học thuộc hơn. Môn Địa lý lại được mang Atlat vào trong phòng thi. Vì thế, em nghĩ tổ hợp môn Khoa học Xã hội em sẽ dễ gỡ điểm hơn là Khoa học Tự nhiên,” Bảo phân tích.

Đây cũng là lý do chọn Tổ hợp môn Khoa học Xã hội của thí sinh Vũ Minh Anh, trường Trung học phổ thông Văn Hiến. Là thí sinh khối D, tuy nhiên cô học trò này chia sẻ em sợ nhất môn Ngữ văn trong kỳ thi năm nay.

"Đề thi tuy chỉ có 20% kiến thức lớp 11 nhưng không có giới hạn chương trình nên trên thực tế, em vẫn phải ôn 100% chương trình lớp 11 và cả chương trình lớp 12. Em lo lắng vì số lượng tác phẩm rất nhiều, em không biết đề thi sẽ rơi vào tác phẩm nào,” Minh cho biết.

Thi THPT quốc gia 2018: Bố mẹ không áp lực, con làm bài tốt hơn ảnh 2Thí sinh Đinh Thùy Linh tỏ ra khá thoải mái trước kỳ thi. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Cũng theo Vũ Anh Minh, để chuẩn bị cho kỳ thi, lịch ôn tập của em khá kín với sáng tự học ở nhà, chiều đến trung tâm, tối qua nhà cô giáo. “Em thường học ở nhà cô đến 21 giờ 30, sau đó về nhà em tiếp tục tự học đến tầm 1 giờ sáng,” Minh kể.

Tuy lịch học khá dày, nhưng Minh cho biết em không bị quá căng thẳng hay áp lực do bố mẹ không đặt nặng việc em phải đủ điểm đỗ vào trường nào.

Nữ thí sinh trường Văn Hiến cũng thẳng thắn chia sẻ quan điểm: “Em nghĩ khi tâm lý thoải mái thì mới có thể làm bài tốt được. Bố mẹ có thể tạo áp lực để con cái có ý thức học tập hơn, tránh mải chơi, nhưng chỉ một chút ít thôi. Nhiều phụ huynh đặt quá nhiều áp lực cho con khiến các bạn bị tâm lý nặng nề, chỉ lo không làm tốt bài thi, lo bị điểm thấp, em nghĩ như vậy thì ngay từ đầu đã khó có thể có tập trung cho việc học, vào phòng thi lại càng căng thẳng, không thể làm bài tốt.”

Bố mẹ không áp lực cũng là một “lá bùa” giúp thí sinh Đinh Thùy Linh, trường Trung học phổ thông Việt Đức, thấy mình tự tin hơn trong kỳ thi năm nay.

[Trên 4.000 thanh tra cắm chốt ở các điểm thi THPT quốc gia 2018]

“Em nghĩ giải pháp đầu tiên để giảm áp lực cho thí sinh là bố mẹ không nên đặt kỳ vọng con phải được bao nhiêu điểm, đỗ vào trường nào. Nếu tâm lý thoải mái thì mới có thể làm tốt bài thi,” Linh cho biết.

Với thí sinh Nguyễn Minh Anh, trường Trung học phổ thông Trần Phú, bố mẹ em không chỉ là người giúp em giải tỏa tâm lý trong kỳ thi này, mà còn là người bạn để em có thể sẵn sàng chia sẻ, xin lời khuyên khi có vấn đề mình khúc mắc.

“Em tự tin nhất là môn Văn và lo nhất là môn Toán vì đề thi năm nay sẽ có tính phân hóa cao hơn. Riêng các môn trong bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội thì em nghĩ các thầy cô đã truyền đạt khá đầy đủ ở trên lớp nên em cũng không lo lắng,” Minh Anh chia sẻ.

Ngày mai, 25/6, các em sẽ thi môn đầu tiên là môn Ngữ văn theo hình thức thi tự luận với thời gian làm bài là 120 phút. Buổi chiều, thí sinh thi môn Toán với hình thức thi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 90 phút. Đây cũng kỳ thi trung học phổ thông quốc gia lần thứ hai môn Toán được chuyển từ hình thức thi tự luận truyền thống trước đây sang thi trắc nghiệm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục