Sở hữu khá nhiều điểm giống với những ngành kinh doanh khác, dịp đầu năm hay cuối năm là lúc thị trường bất động sản trở nên sôi động và thu hút được sức mua rất lớn.
Tuy nhiên, chọn được thời điểm vàng để giao dịch bất động sản với kỳ vọng sinh lời cao vẫn luôn là trăn trở và mong mỏi của nhiều nhà đầu tư.
Là một nhà đầu tư bất động sản có thâm niên trên chục năm, chị Minh Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận xét với bất động sản, hai mốc thời điểm này phía chủ đầu tư sẽ liên tục tung ra các chính sách bán hàng hấp dẫn nhằm chốt doanh số cuối năm và khởi động thị trường trong năm mới. Chính vì có nhiều điểm tương đồng, nên khách hàng và nhà đầu tư bất động sản thường tỏ ra khá phân vân để chọn cho mình thời điểm vàng.
Đến hẹn lại lên, thời điểm chuyển giao giữa cuối năm cũ và đầu năm mới thường là lúc các chủ đầu tư “bung” sản phẩm ra chào bán với hàng loạt chính sách khuyến mãi cho khách hàng nhằm kích cầu mua sắm nhà ở.
Dịp này, các chủ đầu tư thường dồn dập thực hiện khuyến mãi nhằm thu hút dòng tiền tích cóp, tiền thưởng cuối năm của người dân và tận dụng tâm lý của người Việt muốn mua nhà để ăn Tết, an cư. Thế nhưng, dù bị hấp dẫn bởi hàng loạt chính sách khuyến mãi, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn chọn việc có nên mua nhà dịp cận Tết Nguyên đán.
Chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho rằng, nếu có điều kiện tài chính và thị trường đang thuận lợi, mọi người có thể mua nhà vào bất cứ thời gian nào trong năm. Vào tháng Chạp và tháng Một, thị trường địa ốc thường trầm lắng, giá nhà đất giảm và chủ đầu tư ban hành nhiều chính sách khuyến mại... là cơ hội tốt để đầu tư sinh lời.
[Năm 2022: Nguồn bất động sản từ các dự án chính thống vẫn gặp khó]
Thậm chí, vào tháng Bảy Âm lịch - thời điểm thị trường thường trầm lắng nhất trong năm, chủ đầu tư hay có chương trình giảm giá kèm theo nhiều chính sách khuyến mại rất tốt thì đây lại là cơ hội sinh lời tốt được nhiều khách hàng lựa chọn giao dịch.
Thực tế, những năm gần đây, cứ có cơ hội sinh lời cao là khách hàng chốt mua chứ không đặt nặng việc “kiêng khem” như trước đây nữa. Nếu có điều kiện tài chính và thị trường đang thuận lợi thì mọi người có thể mua nhà vào bất cứ thời gian nào trong năm.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, thị trường bất động sản ở bất kỳ thời điểm, giai đoạn nào cũng đều ẩn chứa cả tiềm năng lẫn rủi ro. Các chuyên gia cho rằng, mua nhà đất trước tết sẽ tận dụng được những ưu điểm như: mức giá bán cuối năm thường sẽ không tăng, giá sát với thực tế; các dự án thường tung ra mức chiết khấu và phương thức thanh toán hấp dẫn.
Khi đó, khả năng mua được nhà đất đẹp rất cao bởi người bán cần tiền gấp dịp tết nên mới tung nhà, đất ra bán. Nếu tiềm lực tài chính của người mua dồi dào, dòng tiền dư ổn định thì đây là thời điểm thích hợp cho việc mua bất động sản-các chuyên gia đưa ra lời khuyên. Tuy nhiên, khách mua nhà khá gấp rút thì cần thận trọng khi thẩm định tính pháp lý của sản phẩm và giấy tờ.
Còn với khách hàng chọn mua nhà đất sau tết thì thời điểm này, nguồn tiền thường tập trung vào các hoạt động làm ăn, kinh doanh, ít người mua nhà nên tỷ lệ cạnh tranh khá thấp. Mặt khác, các chủ đầu tư cũng khởi động hoạt động mua bán trong năm mới và sẽ có nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn để khách hàng lựa chọn.
Mặc dù vậy, khi mua bất động sản sau tết, khách hàng cần xác định thị trường mua bán sẽ trầm lặng hơn và nguồn cung không dồi dào như thời điểm cuối năm. Thậm chí, giá nhà đất năm mới có thể tăng cao hơn so với cuối năm trước đó. Chưa kể, thời gian làm thủ tục kéo dài, do nhân sự sau tết của một số đơn vị không ổn định
Ở vai khách mua hàng, chị Thanh Hằng (phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, với chị, lựa chọn mua bất động sản dịp trước tết vẫn chiếm nhiều ưu thế rõ rệt hơn. Thông qua thực trạng mua bán nhà đất trong 2 năm trở lại đây, xu hướng của khách hàng và nhà đầu tư cũng đang dồn chủ yếu về thời điểm này. Một trong những nguyên nhân lớn nhất nằm ở ưu đãi về giá và khả năng tăng giá vượt trội của hầu hết các loại hình bất động sản trong năm tiếp theo.
Thế nhưng, từ kinh nghiệm bản thân, chị Hằng cho rằng để chuẩn bị tốt nhất cho việc mua, đầu tư bất động sản vào cuối năm, khách hàng và nhà đầu tư cần chuẩn bị đủ tiềm lực tài chính; lựa chọn và theo dõi tiến độ dự án có ý định mua từ trước đó.
Mặt khác, khách mua cần tìm hiểu sâu hơn về chủ đầu tư và các tiềm năng phát triển của dự án, xác định rõ ràng mục đích sử dụng. Với các sản phẩm xác định mua để đầu tư, chị Hằng chia sẻ luôn dự kiến thời gian mua và thời gian bán ra; chuẩn bị sẵn phương án dự phòng với các dự án có tiềm năng tương đương nếu dự án đã chọn cháy hàng hoặc có giá công bố quá cao.
Dưới một góc nhìn khác, các chuyên gia và một số nhà đầu tư lão luyện thì lại cho rằng, thời điểm mà người khác e dè lại chính là thời cơ để tạo sự đột phá. Nhiều năm trước, cứ dần về cuối năm tỷ lệ khách ngưng mua nhiều hơn khách hàng muốn mua.
Hầu hết khách hàng sẽ ưu tiên mua bất động sản vào quý 3 và đầu quý 4. Nhưng với một lĩnh vực đầu tư như bất động sản, càng dấn thân, cơ hội làm giàu càng cao. Ngày nay, mua nhà đất mà tránh cuối năm hoặc tháng Bảy Âm lịch, chưa thực sự là một khách hàng bất động sản thông minh, chị Nguyễn Kim, một nhà đầu tư đã từng xuống tiền mua một căn hộ tại Khu đô thị Times City đúng dịp tháng Bảy Âm lịch nhận xét.
Có thể coi mua bất động sản cuối năm là thời điểm hết sức nhạy cảm nhưng sự an toàn không chỉ được quyết định từ người mua hay kinh nghiệm đã có trên thương trường mà còn có rất nhiều yếu tố khách quan tác động. Rất nhiều trường hợp, giá tốt, pháp lý hoàn thiện, chủ đầu tư uy tín nhưng kiểu giao dịch lại chính là con dao hai lưỡi đẩy rủi ro về phía khách hàng.
Bởi vậy, các chuyên gia bất động sản cảnh báo về 4 kiểu giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất hiện nay cần phải tránh. Kiểu đầu tiên được “điểm mặt” là huy động vốn đa cấp, lấy tiền người này để trả cho người khác. Tiếp đến là hình thức đầu tư lúa non, bán dự án bất động sản khi pháp lý, quy hoạch chưa hoàn chỉnh.
Cùng đó là kiểu mua bán theo hình thức đặt cọc bởi nhiều trường hợp thị trường nóng sốt, một bất động sản có thể phát sinh rất nhiều hợp đồng cọc sang tay từ người này sang người khác. Chính vì thực hiện giao dịch "cọc" này quá dễ dàng nên đã tạo kẽ hở cho nhiều cú lừa mua bán hợp đồng đặt cọc. Ngoài ra, mua bán bất động sản không hình thành đơn vị ở cũng được cảnh báo là không an toàn bởi sản phẩm chưa được quy định trong luật./.