Trải qua năm phiên đầy biến động với các mức tăng giảm đan xen, thị trường năng lượng cũng khép lại một tuần giao dịch thành công khi cả dầu thô ngọt nhẹ và dầu Brent đều tăng giá, bất chấp những lo ngại về nhu cầu yếu kém của Trung Quốc và nguồn cung dồi dào của Mỹ.
Sau khi phục hồi ở phiên đầu tuần (ngày 21/9) nhờ yếu tố kỹ thuật, mối lo thường trực của giới đầu tư về tình trạng cung vượt quá cầu tiếp tục đè nặng lên thị trường năng lượng, khiến giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ bị phân hóa trong phiên giao dịch liền sau đó.
Theo giới phân tích, việc Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp tục đạt được những bước tiến tích cực liên quan tới chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này sẽ giúp Tehran đẩy mạnh xuất khẩu dầu mỏ và làm trầm trọng hơn tình trạng dư cung trên thị trường trong quý 1/2016.
Trong khi đó, triển vọng về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trở nên ảm đạm hơn sau khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định rằng tình hình tăng trưởng kinh tế yếu kém của Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, có thể kéo lùi nhịp độ tăng trưởng của phần còn lại châu Á.
Tới phiên giao dịch 23/9, thị trường dầu mỏ lại “đổ dốc” do báo cáo mới nhất từ Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) cho hay sản lượng dầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 18/9 vừa qua đã tăng thêm 19.000 thùng/ngày, lên 9,136 triệu thùng/ngày, chấm dứt chuỗi sáu tuần giảm liên tiếp.
Thông tin trên làm gia tăng mối lo về tình trạng dôi dư nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, đồng thời khiến giới đầu tư phớt lờ thông tin tích cực khác cũng từ DoE cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm 1,9 triệu thùng.
Tuy nhiên, đà tăng giá ở hai phiên cuối tuần đã giúp thị trường năng lượng kết thúc tuần giao dịch với kết quả tích cực. Nguyên nhân chính hậu thuẫn cho giá dầu trong phiên cuối tuần là báo cáo ngày 25/9 từ Bộ Thương mại Mỹ cho hay kinh tế của nước này trong quý 2/2015 đạt nhịp độ tăng trưởng 3,9%, cao hơn mức dự kiến tăng 3,7% và đi ngược với sự đình trệ của quý trước đó.
Thông tin này càng góp phần củng cố lòng tin của giới đầu tư vào bài phát biểu cuối ngày 24/9 của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen, nói rằng Fed có thể bắt đầu nâng lãi suất vào cuối năm nay và tình trạng yếu kém của kinh tế toàn cầu là không đủ để làm thay đổi kế hoạch này.
Ngoài ra, việc Công ty cung cấp dịch vụ dầu khí Baker Hughes vừa thông báo rằng số lượng giàn khoan đang hoạt động của Mỹ tiếp tục có xu hướng giảm trong tuần qua khi rút bớt bốn giàn khoan so với tuần trước đó, xuống còn 640 chiếc, đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp, cũng tạo động lực tăng giá cho “vàng đen.”
Kết thúc phiên cuối cùng của tuần này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11/2015 tăng 79 xu Mỹ, lên 45,70 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 43 xu, lên 48,60 USD/thùng. Như vậy, tính chung trong cả tuần qua, cả hai loại dầu chủ chốt này đều tăng hơn 2%.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định “bức tranh” toàn cảnh của thị trường dầu thô vẫn khá ảm đạm trong bối cảnh cung lớn hơn cầu, với lượng dầu dự trữ chỉ có thể vơi bớt khi sản lượng dầu Mỹ có xu hướng giảm trong trung hạn.
Thậm chí, một số chuyên gia đánh giá tình trạng dôi dư nguồn cung vẫn sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá dầu mỏ, ngay cả khi sản lượng dầu Mỹ giảm cũng khó có khả năng làm xoay chuyển tình hình thị trường hiện thời./.