Đà "tuột dốc không phanh" của giá dầu trong thời gian qua đã khiến thị trường năng lượng toàn cầu bị chao đảo, dẫn tới nhiều dự án năng lượng bị hủy bỏ, nhất là hoạt động khai thác dầu ở Biển Bắc.
Do tình trạng dư cung cộng với nhu cầu tiêu thụ thấp, giá dầu đã mất gần 60% kể từ tháng 6/2014 và đang hướng đến mức đáy của gần sáu năm qua.
Tình hình này có vẻ vẫn chưa trở nên sáng sủa hơn khi mới đây, hai thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) là Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Kuwait cho biết nhóm này sẽ không can thiệp nhằm ngăn chặn xu hướng giảm giá của dầu.
Việc giá dầu giảm mạnh đã khiến sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ tăng chậm lại, song theo OPEC, điều đó không thể giúp chặn được xu hướng dư thừa nguồn cung tiếp tục gia tăng trong năm 2015, giữa lúc nhu cầu tiêu thụ lại đang giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Báo cáo mới nhất của OPEC nhận định rằng nhu cầu đối với dầu mỏ của tổ chức này năm 2015 sẽ chỉ là 28,78 triệu thùng/ngày (so với sản lượng 30,20 triệu thùng/ngày của OPEC vào tháng 12/2014), giảm 140.000 thùng/ngày so với mức dự báo trước đó - điều có nghĩa là thị trường năm nay sẽ thừa cung khoảng 1 triệu thùng/ngày.
OPEC dự báo nguồn cung dầu khí của Mỹ sẽ ở mức bình quân 13,81 triệu thùng quy đổi/ngày trong năm 2015, tăng 950.000 thùng/ngày so với năm 2014.
Mặc dù mức tăng này thấp hơn con số dự kiến 1,05 triệu thùng ngày được đưa ra hồi tháng 12/2014 nhưng đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia góp phần lớn nhất vào sự gia tăng nguồn cung dầu mỏ của các nước không thuộc OPEC.
Trong bối cảnh trên, ngày 15/1 vừa qua, tập đoàn dầu khí danh tiếng BP của nước Anh đã thông báo cắt giảm 200 nhân công và 100 người làm theo hợp đồng trong các cơ sở của BP tại Biển Bắc.
Động thái trên diễn ra chỉ một tháng sau khi BP quyết định chi 1 tỷ USD cho kế hoạch tái cơ cấu, nhằm đảo ngược tình trạng doanh thu suy giảm. Hiện BP có khoảng 3.500 lao động làm việc gần bờ và xa bờ tại khu vực Biển Bắc.
Trước đó, ConocoPhillips của Mỹ cũng thông báo cắt giảm 230 trong tổng số 1.649 nhân công làm việc ở toàn Vương quốc Anh, chủ yếu tại Aberdeen thuộc Scotland. Trong khi đó, Shell (liên doanh Anh - Hà Lan) và Chevron của Mỹ cũng có các động thái tương tự.
Quan chức năng lượng Scotland, Fergus Ewing vừa kêu gọi Chính phủ nước Anh giảm bớt gánh nặng thuế để giúp ngành công nghiệp dầu mỏ Biển Bắc chống chọi với đà giảm của giá "vàng đen."
Trong khi đó, Na Uy - một trong những nhà xuất khẩu dầu khí hàng đầu thế giới - dự báo rằng lượng vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực dầu mỏ của nước này trong giai đoạn từ năm 2014 tới năm 2017 sẽ giảm 22%, xuống 135 tỷ Kronor (17,6 tỷ USD), chủ yếu do giá dầu trượt dốc.
Dự kiến, sản lượng dầu của Na Uy trong năm nay đạt 1,49 triệu thùng/ngày, giảm so với con số 1,51 triệu thùng/ngày của năm 2014./.